TẠI SAO LÀ ‘APPLE’, ‘MAC’ & ‘i’?

Khi nói tới các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, một trong những cái tên được nhắc tới đầu tiên luôn là Apple. Hầu như ai cũng biết tới Apple như một hãng công nghệ mà sản phẩm luôn luôn được mô tả bằng ba tính từ: BỀN, ĐẸP và, ĐẮT.

Tuy nhiên, bài viết này không có ý định lý giải tại sao Apple được gắn với ba tính từ nêu trên. Thay vào đó, bài viết đi tìm hiểu tại sao hãng có tên “Apple”, dòng máy tính chủ đạo được gọi là “Mac”, phần lớn sản phẩm có tiền tố “i” và những rắc rối Apple gặp phải với những tên này.

  

NHỮNG CÁI TÊN

1. Apple

Apple logos-min
Logo hiện nay của hãng là một quả táo bị cắn dở nên không khó khăn chút nào để liên hệ giữa tên của hãng với quả táo (táo “tây”). Thêm nữa, ngay thủa ban đầu, hãng cũng giới thiệu logo có hình Issac Newton ngồi dưới gốc cây táo (chắc mọi người đều biết quả táo có ảnh hưởng như thế nào tới sự ra đời của Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton?).

Vậy nên, hầu như ai cũng có thể kết luận tên của hãng được đặt theo tên của một loại quả.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “Tại sao là Apple?” mà không phải là môt cái tên khác? Tại sao tên của một loại quả lại gắn với hình ảnh của chiếc máy tính?

2steves-min

Có rất nhiều đồn đoán về lý do Steve Jobs và Steve Wozniak (đồng sáng lập Apple) đặt tên hãng là “Apple”. Chẳng hạn:

  • Jobs & Wozniak muốn tên hãng đứng trước tên Atari trong sổ danh bạ điện thoại (Atari là tên một hãng máy tính – đối thủ cạnh tranh chính của Apple thời kỳ đầu).
  • Đối với các sáng lập viên của hãng, cái tên Apple mang lại một sắc thái sống động, tươi mới khác hẳn với những cái tên lạnh lùng, khó hiểu của các công ty máy tính đương thời như IBM, Digital Equipment hay Cincom.
  • Apple được đặt theo tên Apple Records – một công ty thu âm do ban nhạc The Beatles thành lập.

Thậm chí, trong video clip do MaxKatieChannel (2011) đăng tải trên YouTube, Jobs cũng nói (đùa) là ông chọn cái tên Apple là vì ông thích ăn táo và vì từ Apple đứng trước Atari trong sổ danh bạ.

Cuối cùng thì câu trả lời về lý do phía sau cái tên Apple đã được chính Steve Jobs tiết lộ cho Walter Isaacson, người viết tiểu sử của ông.

Theo Isaacson (2011), Jobs chọn tên Apple sau khi trở về từ một trang trại trồng táo ở bang Origon. Jobs làm việc tại trang trại này quãng mùa hè năm 1975. Đó cũng là thời gian Jobs theo đuổi chế độ ăn kiêng hoa quả. Jobs cho biêt cái tên Apple nghe khá “vui tươi, sinh động và không đáng sợ” như nhiều tên của các hãng máy tính thời bấy giờ.

Về tên Apple, Wozniak (2007, tr. 173-4) cũng viết  rằng chính Jobs đề xuất tên Apple sau khi trở về từ một trang trại trồng táo. Wozniak viết: “Tôi nhớ là tôi đang lái xe trên đường cao tốc 85 để đưa Steve Jobs về từ sân bay. Steve vừa tới thăm một nơi ở Origon mà ông gọi là “vườn táo”. Đó kiểu như là một vùng quê. Steve đề xuất tên Apple Computer… Cả hai chúng tôi đều cố gắng nghĩ ra một cái tên khác nghe có vẻ công nghệ hơn nhưng đều không thể. Apple là cái tên quá tốt rồi, tốt hơn bất cứ cái tên nào mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Do vậy có tên Apple. Phải là tên Apple”.

Linzmayer (2004, tr. 6)  cũng viết cả Jobs và Wozniak đều nghĩ tới các tên khác như Executex hay Matrix Electronics nhưng cuối cùng họ vẫn thích tên Apple Computer nhất.

Như vậy, tới đây có thể kết luận: lý do chính đằng sau việc Steve Jobs đặt tên cho hãng máy tính của mình là Apple là:

  • Ảnh hưởng tích cực bởi chuyến thăm tới trang trại trồng táo tại Origon mùa hè năm 1975;
  • Do khẩu phần ăn hoa quả của ông (Thời gian đặt tên hãng trùng với thời kỳ Jobs theo đuổi chế độ ăn kiêng hoa quả);
  • Ông thấy tên Apple nghe mới lạ, đầy sinh khí và khác hẳn với tên các hãng công nghệ thời kỳ đó (vốn khô cứng, khó hiểu).

2. Mac

mac-vs-pc

Trong thế giới máy tính cá nhân tồn tại hai khái niệm: PC  Mac. Theo một nghĩa rộng nhất các máy tính cá nhân chạy hệ điều hành Windows và Linux được gọi là PC. Các máy tính cá nhân do Apple thiết kế, sản xuất và bán ra thị trường như một sản phẩm trọn gói được gọi là Macintosh hay Mac.

Theo nghĩa hẹp, các máy tính do Apple sản xuất cũng là các máy tính cá nhân nhưng chúng không theo chuẩn IBM và cũng không tương thích IBM.

Trong tiếng Anh, PC là viết tắt của từ “personal computer” – tức là “máy tính cả nhân”. Từ PC hay personal computer hoạt động như một danh từ chung cho tới khi hãng IBM, người khổng lồ trong ngành công nghiệp máy tính, dùng thuật ngữ này như một danh từ chỉ tên riêng cho dòng máy tính IBM Personal Computer (IBM PC) năm 1981.

ibm-pc

Thực ra, IBM không phải là hãng đầu tiên sử dụng thuật ngữ “máy tính cá nhân”. Ngay từ năm 1972, hãng Xerox cũng đã gọi chiếc máy tính do mình sản xuất là “máy tính cá nhân”. Tuy nhiên, cùng với sự thành công của IBM PC, thuật ngữ PC dần dần được sử dụng để chỉ các loại máy tính cá nhân để bàn tương thích với IBM PC. IBM PC hay IBM Compatible (tương thích IBM) dần dần trở thành nền tảng chuẩn cho các dòng máy tính cá nhân.

Như vậy, tên PC hay đúng hơn là thuật ngữ PC là không khó giải thích. Vậy Mac là gì?

Chiếc Mac đầu tiên được Apple Computer giới thiệu vào ngày 24 tháng Giêng năm 1984 với tên gọi Macintosh. Đây là dòng máy tính cá nhân đầu tiên dùng chuột điều khiển và  tích hợp giao diện người dùng đồ hoạ.

Vậy tại sao Steve Jobs lại đặt tên cho chiếc máy tính của mình là Macintosh?

Thực ra, Jobs có công lớn với tên Apple nhưng với tên Macintosh/Mac thì không nhiều.

Người đặt tên Macintosh cho dòng máy tính mổi tiếng của Apple là Jef Raskin. Năm 1979, Raskin với mơ ước về một chiếc máy tính giá rẻ, dễ sử dụng dành cho người tiêu dùng bậc chung, đã bắt tay vào phát triển dự án máy tính Macintosh. Có thể là do cảm hứng từ tên Apple, Raskin đã lấy tên MacIntosh – tên một loại táo ưa thích của ông – để đặt tên cho dự án.

(Táo McIntosh là loại táo có vỏ màu đỏ xanh, thịt trắng, mềm, có vị hơi chua, thường cho thu hoạch vào tháng Chín).

400px-Apples_on_tree_2011_G1_cropped

Nhiều người nghĩ là Raskin viết nhầm Macintosh từ từ MacIntosh nhưng ông phủ nhận điều này. Theo Linzmayer (2005, tr. 87) và MacDailyNews (2005), Raskin cố ý thay đổi chính tả của từ này. Ông nói: “Tên của loại táo này là McIntosh. Tôi nghĩ nó có thể dẫn tới tranh chấp với McIntosh Laboratory, một nhà sản xuất thiết bị âm thanh cao cấp. Do đó, tôi sử dụng cách viết Macintosh với suy nghĩ là nếu xảy ra tranh chấp về vẻ bề ngoài thì ai thèm quan tâm chứ”.

Có một thông tin ít người biết đó là đã có thời điểm tên Macintosh chút nữa bị thay thế bằng tên “Bicycle”. Năm 1981, sau khi Raskin bị buộc phải rời khỏi Apple, Jobs đã quyết định đổi tên “Macintosh” thành “Bicycle” để không còn dính dáng gì tới Raskin.

Theo Schwartz (2012), ý tưởng đặt tên máy tính là Bicycle tới từ một bài báo đề cập tới hiệu năng của xe đạp mà Jobs đọc trên tạp chí Scientific American. Jobs cũng nhiều lần gọi máy tính là “xe đạp cho trí tuệ con người”. Tuy nhiên, quyết định này của Jobs không được các thành viên trong dự án Macintosh đồng ý, và tên Macintosh vẫn tiếp tục được sử dụng.

Nếu việc đổi tên này xảy ra, có lẽ bây giờ chúng ta không có một hãng công nghệ khổng lồ Apple, hoặc nếu có hãng Apple thì có lẽ những máy tính ta đang sử dụng lại có tên là Bic thay vì Mac!

Như vậy, tên Macintosh hay rút gọn là Mac cũng liên quan tới quả táo mà cụ thể là một giống táo có tên McIntosh.

 

3. Tiền tố “i” trong tên các sản phẩm

Có thể nói ngày nay Apple nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ các ản phẩm có tên bắt đầu bằng tiền tố “i” như iPhone, iPod, iPad, iCal, iLife, iBook, iTunes… Đã bao giờ bạn tự hỏi chữ cái “i” ở đây có nghĩa là gì chưa?

Sản phẩm đầu tiên của Apple có tiền tố “i” là iMac, chiếc máy tính để bàn nhắm vào thị trường khách hàng gia đình. Chiếc iMac đầu tiên được Apple giới thiệu và bán ra vào tháng Sáu năm 1998.

imac-flower

Khi giới thiệu iMac tới công chúng (xem video và tham khảo Salaz (2010)), Jobs tuyên bố rằng chữ “i” đại diện cho từ “Internet”. Tiếp theo, ông nói và trình chiếu trên slide rằng “i” cũng có những ý nghĩa khác như:

internet – Internet

individual – cá nhân

instruct – hướng dẫn

inform – thông tin

inspire – tạo cảm hứng

Nhìn từ góc độ ngôn ngữ thì có vẻ danh sách “i” của Jobs không được thống nhất cho lắm vì nó bao gồm cả danh từ, tính từ và động từ. Nhưng xét từ khía cạnh ý nghĩa hàm chỉ thì những từ nêu trên phản ánh chân thực tham vọng của ông chủ Apple trước tương lai phát triển của ngành CNTT.

Tiền tố “i” lần đầu tiên được sử dụng cho hai sản phẩm là iBook và iMac, và sau này mở rộng ra cho nhiều sản phẩm khác của Apple gồm cả máy tính, điện thoại và phần mềm.

Steve Jobs là người quyết định dùng tên iMac nhưng không phải là người đề xuất tên này. Người đầu tiên có ý tưởng sử dụng tiền tố “i” trong tên một sản phẩm của Apple là Ken Segall (người nổi tiếng với chiến dịch quảng cáo Think Different – Nghĩ khác của Apple).

ken_segall_11

Theo Issacson (2011), khoảng đầu năm 1998 khi sản phẩm mà sau này có tên iMac được thiết kế xong, Jobs mời Ken Segall và Lee Clow, giám đốc và trưởng bộ phận sáng tạo của TBWA\Chiat\Day, công phụ trách các hoạt động quảng cáo sản phẩm mới của Apple tới và đề nghị Segall và nhóm của ông đặt một cái tên cho chiếc máy tính mới của Apple. Về phần mình, Jobs nói ông thích tên “MacMan”. Vô cùng ấn tượng mới chiếc máy tính mới của Apple, nhóm của Segall đề xuất 5 cái tên trong đó có tên “iMac”. Jobs không thích bất cứ tên nào nên nhóm của Segall phải suy nghĩ thêm một tuần và đề xuất một danh các tên khác. Tuy nhiên, lần này Segall vẫn nhấn mạnh ông thích tên “iMac” hơn cả. Câu trả lời của Jobs khá hài hước: “Tuần này tôi không ghét cái tên này, nhưng tôi vẫn không thích nó” (I don’t hate it this week, but I still don’t like it). Tuy nhiên tên iMac vẫn được dùng với các sản phẩm nguyên mẫu và cuối cùng được dùng làm tên gọi chính thức cho dòng máy tính mới của Apple.

Theo Kahney (2009), trong một cuộc phỏng vấn với Cult of Mac ngày 3 tháng 10 năm 2009, Segall cũng thuật lại câu chuyện như trên và bổ sung thêm rằng khi đề nghị nhóm của ông suy nghĩ về một cái tên cho chiếc máy tính tiên phong của Apple, Jobs tiết lộ là chiếc máy mới cũng là một chiếc máy Mac, do vậy tên của nó phải làm người dùng liên tưởng tới thương hiệu Macintosh. Tên mới cũng phải làm nổi bật đặc điểm là chiếc máy được thiết kế cho thời đại Internet. Tên mới cũng phải có khả năng sử dụng với một vài sản phẩm sắp tới của Apple. Và, tên mới phải mau chóng được quyết định vì việc đóng gói sản phẩm này sẽ diễn ra sau một tuần nữa.

Segall (2012) nhớ lại, Jobs chưa bao giờ chính thức chấp nhận tên iMac cho dù sau đó tên này trở thành tên chính thức của dòng máy tính có tính chất đột phá của Apple.

Như vậy, về cơ bản tiền tố “i” trước tên nhiều sản phẩm của Apple là do Ken Segall và nhóm của ông nghĩ ra dựa trên yêu cầu và ý tưởng của Jobs về những thiết bị của Apple, mang tính cá nhân hoá và hướng tới kỷ nguyên Internet.

GIÁ CỦA NHỮNG CÁI TÊN

Việc tên riêng có nghĩa hay không có nghĩa, nếu có nghĩa thì là nghĩa từ vựng, hàm chỉ hay biểu trưng… còn là trang cãi chưa có hồi kết của các nhà nghiên cứu tên riêng (danh xưng học). Nhưng việc tên riêng, mà cụ thể ở đây là tên thương hiệu, có giá trị và giá trị được lượng hoá ra bằng tiền là một điều không phải bàn cãi.

Apple ngay từ khi mới thành lập cho tới nay luôn luôn vướng vào các vụ kiện tụng với đối thủ cạnh tranh hoặc các công ty liên quan khác. Ngay tại thời điểm này (04/2015), Apple và Samsung vẫn đang so găng với nhau ở toà án.

Nội dung của rất nhiều kiện cáo mà Apple vướng phải lại liên quan tới những cái tên mà hãng này lựa chọn.

1. Apple Computer

Ngay khi Jobs chọn tên Apple Computer, đồng sáng lập của Apple là Steve Wonizak đã lo ngại tên này sẽ vấp phải phản đối của Apple Records (một bộ phận của Apple Corps), một hãng thu âm do ban nhạc Beatles sở hữu. Lúc đó cả hai đều nghĩ sẽ không có vấn đề gì vì hai công ty hoạt động trong các lĩnh vực rất khác nhau. Tuy nhiên, hoá ra đây lại là cuộc chiến “Apple” dai dẳng tới hơn 30 năm và khiến Apple tốn kém không ít.

Apple_Corps_logo

(Logo của Apple Corps là hình loại táo Granny Smith. Khác với táo McIntosh, loại táo này có vỏ xanh, giòn và nhiều nước).

Theo BBC News (2006) và Thomas (2007), ngay năm 1978, Apple Corps đã kiện Apple Computer ra toà vì vi phạm thương hiệu. Vụ kiện tạm thời được giải quyết năm 1981 khi Apple trả cho Apple Corps nhiều triệu đô-la (con số chính thức là $80.000) và cam kết không tham gia vào ngành công nghiệp âm nhạc.

Năm 1989, Apple Corps lại kiện, lần này với lý do Apple Computer vi phạm điều khoản “không tham gia vào ngành công nghiệp âm nhạc”. Vụ kiện này chỉ chấm rứt vào năm 1991 khi Apple Computer đồng ý trả cho Apple Corps $26.5 triệu cộng các chi phí pháp lý khác.

Ngày 29 tháng 03 năm 2006, Apple Corps lần thứ ba kiện Apple Computer vì iTunes Music Store. Lần này, Apple Corps phải trả án phí là $2 triệu, nhưng quan trọng hơn hai công ty đã đạt được thảo thuận về tên Apple theo đó Apple Computer phải trả cho Apple Corps $26.8 triệu để giành quyền sử dụng tên gọi Apple trong ngành công nghiệp máy tính và phân phối âm nhạc.

Cuộc chiến 30 năm với Apple Corps chính thức khép lại khi Apple Computer chính thức đổi tên lại thành Apple vào ngày 09 tháng Giêng năm 2007. Forbes (2007) nhận định với việc bỏ đi từ “Computer”, Apple muốn cho thế giới thấy định hướng phát triển trong tương lai của hãng là tập trung vào hội tụ công nghệ với mũi nhọn là điện tử tiêu dùng chứ không chỉ dừng lại ở mảng công nghiệp máy tính.

2. Macintosh (Mac)

Như trên đã đề cập, Raskin nói rằng ông đặt tên dự án máy tính của Apple theo tên loại táo McIntosh mà ông ưa thích. Ông không giữ nguyên tên là McIntosh mà đổi thành Macintosh vì e ngại tranh chấp với công ty sản xuất thiết bị âm thanh McIntosh Laboratory.

mcintoshmusicimage

Tuy nhiên, thật không may cho Apple tranh chấp đã xảy. Việc thay đổi chút ít chính tả đã không giúp gì cho Apple trong cuộc chiến pháp lý quanh tên gọi Macintosh. Khi Apple tiến hành đăng ký thương hiệu Macintosh năm 1982, đề nghị của Apple bị từ chối bởi nó vi phạm về mặt phát âm với tên thương hiệu mà McIntosh Laboratory đã đăng ký.

Theo Linzmayer (2004, tr. 87), ngày 16 tháng 10 năm 1982, Steve Jobs đã viết thư cho Gordon Gow, chủ tịch của McIntosh Laboratory đề nghị hãng thiết bị âm thanh cho phép Apple được sử dụng tên Macintosh trong ngành công nghiệp máy tính trên phạm vi toàn thế giới. Trong thư, Jobs viết: “Chúng tôi đã gắn bó mật thiết với tên Macintosh. Giống như đứa con mình sinh ra, sản phẩm của chúng tôi đã định hình một cá tính rất riêng biệt”. 

Dường như lúc đầu Gordon Gow có vẻ thuận theo đề nghị của Jobs khi ông tới thăm trụ ở chính của Apple ở Cupertino, California để tìm hiểu về sản phẩm mà Apple đang phát triển. Tuy nhiên sau khi tham khảo ý kiến của cố vấn lý, Gow đã bác bỏ đề nghị của Jobs.

Lúc này Apple quay sang rút ngắn tên Macintosh thành Mac và tuyên bố với bên ngoài rằng Mac là từ viết tắt của “Mouse-Activated Computer” (Máy tính Kích hoạt (qua) Chuột), còn với nội bộ là “Meaningless Acronym Computer” (Máy tính Viết tắt Vô nghĩa). Tuy nhiên, từ cuối tháng Ba năm 1983, Apple quyết định theo đuổi việc đăng ký quyền sử dụng tên gọi Macintosh và cuộc chiến pháp lý với McIntosh Laboratory chỉ kết thúc vào năm 1986 khi Apple đồng ý trả một khoản tiền lớn cho McIntosh Laboratory để hãng này cho phép Apple sử dụng hợp pháp tên Macintosh. Theo Linzmayer, chi tiết thoả thuận không được hai bên tiết lộ song nhiều đồn đoán cho rằng số tiền này là $100.000 tiền mặt lúc bấy giờ. Còn theo luật sư của McIntosh Laboratory, số tiền thực trả còn cao hơn nhiều.

3. iPad

Ngay cả các tên iPod, iPhone và iPad cũng gặp rất nhiều sóng gió trong cuộc chiến tranh chấp tên gọi. Điển hình là tranh chấp tên iPad với công ty Proview Shenzhen tại thị trường Trung Quốc nội địa. Đã có thời điểm sản phẩm iPad của Apple đứng trước nguy cơ bị cấm bán tại thị trường hơn một tỷ dân vì vụ kiện tụng với Proview Shenzhen quang cái tên iPad.

20120314_proviewipad

Nội tình vụ việc cũng tương đối lắt léo và xoay quang công ty Proview Shenzhen. Tập đoàn Proview International Holdings sở hữu 7 công ty con trên thế giới, trong đó có Proview Shenzhen (tại Trung Quốc) và Proview Electronic (tại Đài Loan). Năm 2000, Proview Đài Loan đăng ký thương hiệu IPAD ở nhiều nước nhưng không đăng ký ở Trung Quốc. Còn Proview Shenzhen đăng ký thương hiệu này ở riêng thị trường Trung Quốc.

Năm 2009, công ty IP Application Development Limited (IPADL) do Apple lập ra ở Vương quốc Anh, thông qua Proview Anh quốc, liên hệ với Proview Đài Loan mua lại thương hiệu IPAD của Tập đoàn Proview trên phạm vi toà thế giới (bao gồm cả thị trường Trung Quốc) với giá $35.000. Vụ mua bán này hoàn tất nhưng nó lại châm ngòi cho một vụ tranh chấp thương hiệu khiến Apple tốn kém gấp gần 200 số tiền nêu trên.

Proview Shenzhen không đồng ý với thoả thuận nêu trên và từ chối cho Apple đăng ký thương hiệu iPad với Cục Thương hiệu Trung Quốc. Theo Xiang (2012), lý do Proview Shenzhen đưa ra là họ chưa bao giờ nhượng quyền sử dụng thương hiệu IPAD cho Apple, Proview Đài Loan không đăng ký IPAD tại thị trường Trung Quốc và họ cũng không biết thoả thuận của Proview Đài Loan với Apple.

Apple kiện Proview Shenzhen ra toà án tỉnh Quảng Đông. Vụ kiện kéo dài nhiều tháng và cuối cùng, ngày 02 tháng 07 năm 2012, Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Đông ra phán quyết buộc Apple đã phải trả cho Proview Shenzhen $60 triệu để giành quyền sử dụng tên IPAD và iPad tại thị trường Trung Quốc.

Apple thua trong vụ kiện này nhưng BBC (2012), Bloomberg (2012) và USAToday (2012) nhận định rằng về tổng thể đây là một thắng lợi cho cả Apple và Proview: Apple không mất thị trường hàng tỷ dân, còn Proview cũng kiếm được một khoản tiền không nhỏ trong lúc tình hình tài chính của công ty này rất khó khăn.

Trong Romeo và Juliet, William Shakespears từng viết “A rose by any other name would smell as sweet” (Dù gọi bông hoa hồng bằng tên nào đi chăng nữa thì hương thơm của nó vẫn vậy). Nhiều người ngày nay thường dùng câu nói này với hàm ý cái tên chỉ đơn giản là cái tên, là nhãn hiệu của đối tượng mang tên chứ không nói lên bản chất của đối tượng mang tên. Tuy nhiên, những cái tên như Apple, Mac hay iPhone, iPad… dường như không đơn giản chỉ là nhãn hiệu để phân biệt đối tượng này với đối tượng khác. Chúng có cuộc đời và số phận riêng. Vượt qua bao gian nan, chắc trở chúng xây dựng được giá trị riêng, một giá trị mà sự phản ánh bằng tiền không bao giờ đầy là đầy đủ.

Steve Jobs

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

BBC News (2006) At the core of the Apple dispute, 08 May, [Online], Available: http://news.bbc.co.uk/2/hi/entertainment/4750533.stm [18 April 2015].

Bloomberg (2012) Apple Pays Proview $60m to Resolve IPad Trademark Dispute, 02 July, [Online], Available: http://www.bloomberg.com/news/articles/2012-07-02/apple-pays-60-million-to-end-china-ipad-dispute-with-proview [18 April 2015].

Elliot, A.-M. (2010) 10 Fascinating Facts You Didn’t Know About Apple, 08 July, [Online], Available: http://mashable.com/2010/07/08/10-apple-facts/ [18 April 2015].

Hansen, J.H. The History of the Apple Logo – a series of articles at Macnyt, [Online], Available: http://www.perfectlyintune.com/page34/page35/page35.html [18 April 2015].

Kahney, L. (2009) The Man Who Named the iMac and Wrote Think Different, 03 October, [Online], Available: http://www.cultofmac.com/20172/20172/ [18 April 2015].

Linzmayer, O. (2014) 30 Years of the Mac: How the Macintosh got its name, 2014 January, [Online], Available: http://www.macworld.co.uk/news/mac/30-years-mac-how-macintosh-got-its-name-24578/ [2015 April 2015].

MacDailyNews (2005) The man who named Apple’s Macintosh, GUI pioneer Jef Raskin dies at 61, 27 February, [Online], Available: http://macdailynews.com/2005/02/27/apple_mac_gui_pioneer_jef_raskin_dies_at_61/ [18 April 2015].

MaxKatieChannel (2011, December 24) Steve Jobs: Why Apple compter was named Apple?, [Video file] [Online], Available: https://www.youtube.com/watch?v=qzzOwRx3D1E [24 December 2015].

Polsson, K. (2015) Chronology of Apple Computer Personal Computers, 27 February, [Online], Available: http://pctimeline.info/apple/ [18 April 2015].

Salaz, J. (2010) What does the “i” in Apple product names mean?, 20 October, [Online], Available: http://apple.stackexchange.com/questions/3313/what-does-the-i-in-apple-product-names-mean [18 April 2015].

Schwartz, J. (2012) How Apple’s “Macintosh” Almost Became The “Bicycle”, 08 January, [Online], Available: http://www.theurbancountry.com/2012/01/how-apples-macintosh-almost-became.html [18 April 2015].

Segall, K. (2012) Insanely Simple: The Obsession That Drives Apple’s Success, 1st edition, London: Portfolio/Penguin, Available: http://www.fastcodesign.com/1669924/steve-jobs-almost-named-the-imac-the-macman-until-this-guy-stopped-him.

Thomas, H. (2007) What’s In a Name? Apple Corp vs. Apple Computer, 10 January, [Online], Available: http://lowendmac.com/orchard/07/0110.html [18 April 2015].

Xiang, G. (2012) Apple v Proview: Lessons for business in China, 01 October, [Online], Available: http://www.worldipreview.com/article/apple-v-proview-lessons-for-business-in-china [18 April 2015].

Loading

1 comment for “TẠI SAO LÀ ‘APPLE’, ‘MAC’ & ‘i’?

  1. Bài viết lý giải về tên các thương hiệu điện tử nổi tiếng thế giới hay quá, mình rất thích diễn đàn chia sẻ này. Cảm ơn admin đã chia sẻ tin bài này.
    ———————————————————

Leave a Reply to sacojet Cancel reply