Trong tiếng Việt ngày nay, trò chơi Poker được gọi là “Tú lơ khơ”. Con đường để từ Poker vào tiếng Việt bắt đầu từ tiếng Pháp, qua tiếng Nga, tiếng Trung phổ thông rồi mới thành Tú lơ khơ trong tiếng Việt. Vậy tại sao người Việt lại không gọi là “Poker” mà lại là “Tú lơ khơ”?
Tú lơ khơ là một cỗ bài gồm 54 quân theo các quy ước khác nhau về giá trị. Thứ bài này chúng ta thường gọi là tú lơ khơ (hay tú la khơ), nhiều khi còn nói gọn là tú: đánh tú, chơi tú (hiện nay người còn sáng tạo ra nhiều trò giải trí rất hấp dẫn dựa trên cỗ bài này, đánh chắn, chơi tá lả chẳng hạn). Vào đầu thế kỉ 20, dân ta hay gọi là bài tây. Lí do là trò chơi này được du nhập từ phương Tây, giống như các loại vật dụng, hàng hoá khác, như khoai tây, dầu tây, quần áo tây, bánh tây (bánh mì),… đều do “người Tây” mang sang cả. Một số kẻ cờ gian bạc lận hay dùng bài tây để lừa bịp những người nhẹ dạ. Vì vậy dân gian ta trước đây có câu “liến thoắng như bọn bài tây”. Dần dần, tên gọi “ích xì” thay cho tên gọi “bài tây’. Đó là tiếng biến âm của từ Pháp AS (quân át chủ trong cỗ bài cũng do từ “as” này mà ra). Từ này lại bắt nguồn từ tiếng Latin, vốn là tên gọi của đơn vị tiền tệ của người La Mã cổ. Nhưng từ đâu mà có từ tú lơ khơ? Đây hoàn toàn không phải là phiên âm cách đọc nguyên gốc của một từ ngoại quốc nào, chẳng hạn như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Theo lời cố PGS Nguyễn Kim Thản, thì từ năm 1950 -1951 trở đi, từ tú lơ khơ mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, thoạt tiên là ở khu căn cứ Việt Bắc, rồi lan dần ra khắp miền Bắc nước ta và cứ thế truyền rộng ra cả nước. Tên gọi này do sự tiếp xúc của chiến sĩ, cán bộ, nhân dân ta với các chiến sĩ Giải phóng quân Trung Quốc và hạt nhân của họ là Bát Lộ Quân (thành lập tại Diên An thời chiến tranh chống Nhật). Lúc đó, các chiến sĩ và sĩ quan Liên Xô sang làm việc tại Diên An thời ấy, khi chơi ích xì, đến những phút chót quyết định sự được thua của mỗi ván, lúc lật quân bài quật xuống chiếu, họ thường hay chế nhạo và đùa nhau bằng câu nói “Вот дурак! (Vot, durak!)” (tiếng Nga: Xem này, thằng ngốc!). Nói mãi thành quen tai, như một phản xạ ăn vào tiềm thức, các chiến sĩ Bát Lộ Quân liền tiện mồm gọi thứ bài này là bài “tu-la-khơ”, do phiên trại âm từ “durak”, thay cho từ “phu-khơ” (phiên từ tiếng Anh: poker) dùng khá rộng rãi ở vùng ngoài căn cứ địa (Tiếng Hán phổ thông không có các âm vị /d/ và /r/; khi phiên âm, người ta thay thế chúng bằng /t/ và /l/, như phiên đồ rê mi thành tồ lê mi, do đó mà durak = đu ra khơ thành tu la khơ). Rồi tên gọi ấy truyền đến cán bộ và chiến sĩ Việt Nam trong hoàn cảnh đã nói ở trên, và nó tiếp tục bị đọc trại âm một lần nữa thành “tu lơ khơ”, hoặc “tú lơ khơ”.
Vậy, nói vắn tắt: Lính Nga chơi bài Poker khi hạ bài thường nói “Durak”. Lính Trung Quốc bắt chước nói từ này theo âm tiếng Trung phổ thông thành “Tu-la-khơ”. Lính ta đọc trại âm thành “Tú lơ khơ”.
Thế còn các tên gọi (mà ta thường nói là chất bài), là rô, cơ, nhép, pích có xuất xứ và ý nghĩa gì? Hẳn là chúng phải bắt nguồn từ một nguyên cớ nào chứ? Vì ta nhập “bài tây” từ nước Pháp, cho nên cũng dễ hiểu là các tên gọi ấy cũng được nhập từ tiếng Pháp.
Nhép (tép) phiên trại âm từ trèfle vốn là tên gọi của một thứ cỏ, họ lá kép gồm ba lá con (trèfle có nguồn gốc Hi Lạp, vốn gồm treis (ba) và phullon (lá)). Rô là cách phiên trại âm và nói tắt của từ carreau (ca-rô), tiếng Pháp có nghĩa là “vuông” (gốc Latin của nó là quadrus, cũng có nghĩa là “vuông”). Cơ là phiên âm của từ coeur (gốc Latin là cor) có nghĩa là “trái tim”. Còn pích là phiên âm của từ pique có nghĩa là “ngọn giáo, mũi giáo”. Người Pháp đặt ra và dùng bốn tên gọi từ những năm cuối thế kỉ 15 và điều thú vị là trò chơi giải trí này lại được họ nhập về từ phương Đông (Ấn Độ).
(Bài viết của PGS. TS. Phạm Văn Tình trên báo Lao động – tuy nhiên, đường link hiện nay không còn truy cập được nữa)
Em tình cờ tìm được blog này và em cảm thấy hơi tiếc vì đã không biết nó sớm hơn.^^ Khi mới bước vào đại học, em luôn tưởng tượng thế giới của mình sẽ xoay quanh những khám phá về ngôn ngữ như thế này, nhưng rồi mọi thứ lại xoay quanh những kỳ thi chuẩn hóa, những áp lực về điểm giả. Lâu rồi thành quen, em không còn cảm thấy mình có thể thuộc về thế giới của ngôn ngữ học nữa. Bỗng một ngày được đọc lại sách về ngôn ngữ, được đọc những bài phân tích như thế này, được nghe một lời nhận xét chuyên môn nào đó, em cảm thấy mình vẫn còn rất may mắn, giống như một người không học nhạc bài bản để thưởng thức được âm nhạc bác học, nhưng vẫn có đôi tai để nghe và cảm nhận được một vài làn điệu nào đó.
Bài viết ở trên có liên quan đến tên gọi. Bất chợt em nghĩ rằng đôi khi những cái tên không do mình lựa chọn, hoặc kể cả khi chúng do mình lựa chọn thì chưa chắc nó đã thể hiện bản chất con người mình.
Thưa thầy,
Em là Hà Việt Anh người từng có may mắn được học TOEIC ở Bách Khoa với thầy. Em là sinh viên K52. Hôm nay em bần thần nhớ ra thầy ngày xưa có giới thiệu blog “myviettien” của thầy có nhiều bài viết hay. Em search google thì ra website mới này của thầy. Em thấy nhiều bài viết với “titles” hay (thỉng thoảng có thời giờ em sẽ đọc :D).
Em hiện đang làm nghiên cứu sinh ở Bỉ (French-speaking region). Hằng ngày thấy mọi người trong chỗ làm đánh bài cũng hay gọi các “chất bài” nên cũng biết là tên của những cái này mượn tiếng Pháp (tiếng Việt mượn tiếng Pháp nhiều hơn em tưởng :D), nhưng tên tú lơ khơ thì giờ em mới biết. Em ấn tượng nhất là ngày xưa thầy dạy chúng em về các phát âm tiếng Anh (có trọng âm và không nên quên phụ âm cuối).
Em cảm ơn thầy nhiều.
Sinh viên,
Hà Việt Anh.
Thân chào Việt Anh!
Ôi, rất vui khi nhận được tin của em! Cảm ơn em vì những tình cảm tốt đẹp.
Chúc em nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp.
KHOA
Dạ thưa thầy,
Em cảm ơn thầy. Em cũng đang cố gắng hoàn thành PhD. Nhưng mà nhìn về dài chán lắm thầy ạ, không biết tính thế nào. Trong những năm rồi, em cũng tìm hiểu, đọc nhiều, hiểu ra nhiều. Tình hình đất nước bi đát quá thầy ạ.