TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG – SĨ PHU BẮC HÀ

Bài viết này không phải của tôi. Đây là bài viết ghi là của “Nhà báo Phan Đăng”. Tôi đọc là thấy đồng cảm nên đăng lại tại trang của mình.

Từ lâu tôi đã rất trăn trở: Đất nước mình sao nhìn đâu cũng đầy rẫy cái xấu!

Và khi lò lửa đốt những cái xấu của bác Trọng được nhóm lên thì hi vọng ánh sáng của tôi cũng được nhen nhóm lại.

Tôi tin tưởng vào bác Trọng, tin bác là một trong số rất ít những người tốt còn lại trong giới lãnh đạo. Lò lửa đang ngùn ngụt cháy cùng “người đốt lò vĩ đại” mang lại nhiều hi vọng về một tương lai của ánh sáng cho đất nước và dân tộc ta.

Lý trí của tôi và rất nhiều người đều mách bảo mình phải có trách nhiệm kiếm củi, đốt lò cùng bác dù không “cuồng” bác.

Tuy nhiên, tôi cũng rất lo lắng cho bác Trọng. Cái xấu đã bám rễ quá sâu, sinh sôi nảy nở thành rừng, thành rú. Lò nóng có thể đốt củi khô, nóng hơn có thể đốt củi tươi, nhưng sẽ thế nào nếu rừng kia quá rậm đến nỗi không thể biến thành củi để đốt được?

Cái xấu sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào. Có những ám sát, có những đầu độc, có những vu cáo, có những nhiễu loạn, có những phản công, tử thủ… Có tất. Tôi lo sợ ác mộng về một ngày người đốt lò bị đày ải lên rừng thâm núi thẳm.

Dẫu vậy, niềm tin vào chiến thắng của cuộc đấu tranh mà bác Trọng đang dương cao ngọn cờ vẫn là dòng chủ lưu trong suy nghĩ và hành động của tôi.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vợ con sống giản dị như công chức bình thường và sĩ phu Bắc Hà giữa nanh vuốt của những ‘nhóm lợi ích’

Cảm ơn bác Trọng, có một thời người Hà Nội và cả nước gọi ông là “Lú”, bây giờ tôi mới hiểu không phải vậy. Trong bối cảnh các thế lực chính trị và nhóm lợi ích quá mạnh và quá dữ dằn thì người quân tử phải chọn cho mình lối ứng xử kiên nhẫn thậm chí ngu ngơ.

Cái đáng nể phục nhất ở ông là ông đã không chọn cách như các tiền nhân khác lui về ở ẩn cho yên thân. Ông đã kiên nhẫn và xây dựng được đội ngũ cộng sự tâm huyết để rồi bây giờ bắt đầu cuộc đại chiến chống tham nhũng.

Nước ta chưa bao giờ có nạn tham nhũng tràn ngập mọi ngóc ngách xã hội như bây giờ. Hàng ngày đọc tin hàng ngàn ngàn tỉ của dân bốc hơi mà đau. Nếu không có cuộc chiến này, nếu không có những người như ông đất nước sẽ đi về đâu? “Củi tươi cũng cháy” là thông điệp nóng ngàn độ cho cuộc chiến này. Ai nói gì thì nói, riêng tôi xin cảm ơn ông và cảm ơn những người dũng cảm.

SĨ PHU BẮC HÀ

Nếu người đứng đầu Đảng của chúng ta không phải là một người như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì công cuộc chống tham ô, tham nhũng có đang diễn ra quyết liệt, tới cùng như bây giờ hay không? Nếu không phải là một người như Ngài Trọng thì liệu Trịnh Xuân Thanh có bị “lôi” về, vụ Dầu Khí, vụ AVG, vụ cảng Qui Nhơn và những hệ luỵ tiếp theo mà VinaShin, Vinalines… gây ra có bị điều tra xử lý tới cùng hay không? Nếu không phải là một người “đốt lò” đầy lí tưởng và tâm huyết như Ngài Trọng thì cả “củi khô” lẫn “củi tươi” cũng đều đang phải cháy lên rừng rực như bây giờ hay không?

Trong bối cảnh mà gần như 99,9% giới quan chức Việt Nam trở thành tín đồ trung thành cho cái “triết thuyết tôn giáo” giống như một cái vòng kim cô quấn chặt lên đầu óc họ và nền văn hoá của họ: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, cái bối cảnh mà các quan chức không ngừng tận dụng vị thế của mình để đục khoét của công, làm giàu bất chính thì riêng Ngài Trọng lại tiêu biểu cho mẫu quan chức liêm chính 0,1% còn lại.

Ảnh: AP/ Na Son Nguyen

Khác hẳn với những vương tôn quí tử của phần lớn những nhà lãnh đạo cùng thời với mình, con cái Ngài Trọng hiện vẫn đang sống một cuộc sống giản dị như mọi công chức khác trên đất nước này. Khác hẳn so với những quan chức chỉ giỏi nói chứ không giỏi làm, và luôn biết nói như thế nào để “mị dân” thì Ngài Trọng, ít nhất cho đến lúc này đã chứng tỏ mình nói thế nào làm thế ấy. Ngài bảo tham nhũng là “Quốc nạn”. Thì đây, bằng tất cả tâm huyết và tình yêu Đảng, yêu Tổ quốc của mình, Ngài đang khiến cho những kẻ đầu sò tham nhũng – những kẻ nấp trong bóng tối đang rơi vào những ngày tháng ăn không ngon, ngủ không yên (mà nếu còn một tí tẹo lòng tự trọng sót lại thì những kẻ này sẽ phải uống thuốc độc mà chết trước khi bị cơ quan điều tra tóm gáy. Chết để đỡ ô nhục cho gia đình mình, dòng họ mình, chết để đỡ phải trợn mắt, đau đớn chứng kiến sự phỉ nhổ kinh tởm tới đây của toàn thể nhân dân).

Đây đó vẫn có những nghi ngờ về việc chiến dịch chống tham ô tham nhũng của chúng ta có thể chỉ là biểu hiện của những đấu đá cá nhân hoặc đấu đá phe nhóm. Thứ nhất, những cuộc đấu đá như thế, đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện những thoả hiệp, nhưng hãy nhìn vào những gì Ngài Trọng đang chỉ đạo – liệu có sự thoả hiệp nào không? Thứ hai, bất luận như thế nào thì rõ ràng cái cách mà Ngài Trọng đang chỉ đạo đã khiến cho những hang ổ tham nhũng khủng khiếp nhất Việt Nam bị truy quyét đến cùng – điều mà những người tiền nhiệm của Ngài, dù có mong muốn, quyết tâm đến đâu cũng chưa từng làm được. Nhìn lại lịch sử, trong mỗi thời kỳ bi ai, đau đớn nhất của dân tộc, lúc mà sự sinh – tử – tồn – vong của dân tộc mong manh trên huyệt mộ nhân loại thì may mắn thay, luôn xuất hiện những nhân vật đầy lý tưởng và tầm vóc. Chính họ đã dắt dân tộc đi từ bóng tối ra ánh sáng, và quan trọng nhất, họ giúp nhân dân của mình sống dậy một niềm tin: Thì ra ánh sáng là có thật!

Trở lại với Ngài Trọng, trong những phát biểu của mình, Ngài hay nói đến Chủ nghĩa Marx. Đúng là Đảng ta đã lấy Chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam tư tưởng, nhưng nếu chỉ có thứ chủ nghĩa được nhập về từ phương Tây ấy thì chắc chắn đã không thể tạo nên hình tượng một Ngài Tổng bí thư đáng kính như vậy. Vì thực tế cho thấy trong rất nhiều trường hợp, thứ chủ nghĩa ấy không giúp giới quan lại đương thời đủ sức mạnh chiến đấu với những cám dỗ của vật chất hay những thứ mà lợi ích nhóm có thể mang lại.

Điều thứ hai ở Ngài Trọng mà tôi – trong tư cách của một người quan sát cảm nhận rõ chính một phong cách sĩ phu, một nội lực phương Đông truyền thống. Ngài Trọng quê ở Đông Anh, Hà Nội, và từ cuộc sống đời thực của Ngài, của vợ con Ngài đến cuộc sống quan trường với những đường đi nước bước cực kỳ bài bản, quyết liệt mà Ngài tung ra trong cuộc quyết chiến với tham ô tham nhũng đều toát lên rất rõ cái phẩm chất sĩ phu ấy. Những “sĩ phu Bắc Hà” tưởng như đã tuyệt chủng trong dòng chảy thực dụng và băng hoại hôm nay, hoá ra vẫn hiện hữu – lẫm liệt và tuyệt đẹp, bình dị, điềm đạm mà uy nghiêm, tôn quý ở Ngài.

Nhưng chúng ta ngưỡng mộ Ngài bao nhiêu thì lại lo lắng bấy nhiêu khi nghĩ đến những câu hỏi: Điều gì xảy ra nếu Ngài không còn đủ thời gian, sức khoẻ để tiếp tục thực hiện những lý tưởng của một “sĩ phu Bắc Hà”? Điều gì sẽ xảy ra nếu người thay thế Ngài sau này lại là một mẫu lãnh đạo rất khác với Ngài? Thực ra xu thế chính trị hiện đại không còn quá nhấn mạnh đến vai trò của các cá nhân, bởi nếu như thế thì tính may – rủi là quá lớn. Nếu may mắn có một lãnh đạo tốt, bộ máy sẽ vận hành tốt. Nếu phải chịu đựng những lãnh đạo thủ đoạn, bộ máy sẽ hỏng hóc tức thời.

Xu thế chính trị hiện đại chuộng những cách thức tổ chức thể chế liêm chính và thông minh. Trong thể chế ấy, nơi mà các nhánh quyền lực được phân chia rõ ràng, nơi mà các cơ chế giám sát được vận hành thiết thực thì ngay cả người xấu vì một lí do nào đó mà có thể “luồn sâu, leo cao” thì cũng phải làm tốt, làm đúng phần việc của mình. Hoặc ít ra là không thể nào vừa làm vừa… đục ruỗng.

Nhưng đến bao giờ chúng ta có được một thể chế như thế? Ai có thể tạo ra một thể chế như thế? Có lẽ lịch sử chọn Ngài Nguyễn Phú Trọng để làm sạch lại một bộ máy đang bị biến chất. Nhưng lịch sử cần chọn thêm một người hoặc một nhóm người nữa để tiếp tục nguồn cảm hứng mà Ngài Trọng tạo ra, từ đó làm nảy sinh một cuộc cách mạng về thể chế, giúp dân tộc có điều kiện để cất cánh nay mai.

Nhưng thôi, đấy là chuyện của tương lai. Ở thời điểm hiện tại này, có lẽ toàn bộ con dân nước Việt biết suy nghĩ đều nghiêng mình ngưỡng mộ trước những gì Ngài Trọng đang làm, và sẽ ủng hộ lí tưởng của Ngài đến cùng. Về phần mình, trái tim tôi run lên mỗi khi nhìn thấy Ngài trên truyền hình, thấy mái tóc trắng phau của Ngài, phong thái điềm đạm nhưng uy kính, giọng nói ôn tồn nhưng đầy lửa cháy mà Ngài tạo ra.

Và tôi đã khóc, vì thật lòng không thể tin được rằng ở một thời buổi như thế này vẫn còn một quan chức, một “SĨ PHU BẮC HÀ” như thế!

Nhà báo Phan Đăng

(Tôi xin phép nhà báo Phan Đăng (hoặc tác giả chính thức) cho phép tôi được đăng lại của bài viết trên ở trang cá nhân của tôi)

Loading

Leave a Reply