ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỊA DANH NƯỚC ANH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA DANH HỌC

Bạn có bất ngờ không? Nhiều bạn nghĩ từ trước tới giờ mình luôn phát âm đúng những từ quen thuộc này:

Hóa ra không!

Ví dụ Phát âm cho người Việt (vui thôi 😃) Phát âm chuẩn IPA 👍
Oxford /ốc-phóđ/ hay /ócx-phợđ/ /ˈɒks.fəd/
Cambridge /kem-bờ-rídgz/ hay / kếm-bờ-rịdgz/ /ˈkeɪm.brɪdʒ/
Reading /ríđ-đinh/ hay /réđ-đình/ /ˈredɪŋ/ (/ˈrɛdɪŋ/)

TÓM TẮT: Bài viết tiếp cận vấn đề địa danh của nước Anh (England) trên các mặt lịch sử, cấu tạo và ngữ nghĩa dưới ánh sáng của bộ môn Danh xưng học mà cụ thể là Địa danh học. Qua đó, với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh. Người viết giới một danh sách các địa danh tương đối quen thuộc tại nước Anh song cách phát âm lại là thách đố với người cả người nắm vững các quy tắc ngữ âm của tiếng Anh hiện đại.

TỪ KHOÁ: danh học; địa danh học; địa danh, tên riêng; tiếng Anh

Abstract: In the light of toponomastics, this paper presents an introductory study of English place-names on historical, structural and semantic aspects. In this spirit, on the basis of such a toponomastic findings, the paper then introduces a list of comparatively popular English place-names with unusual or bizarre pronunciations in reference to the phonological standard of modern English.

Keywords: onomastics; toponomastics; place-name; proper name; English

* Bài gốc đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, Số 7(300), 7/2020.

1. DẪN NHẬP

Không nghi ngờ gì tiếng Anh là ngoại ngữ được học và giảng dạy phổ biến nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh nói chung và các môn văn hóa, văn minh Anh – Mỹ nói riêng, nhiều giáo viên tiếng Anh cảm thấy bối rối với không ít tên riêng, đặc biệt là địa danh, được dùng ở nước Anh. Nếu là người tâm huyết với nghề, họ sẽ cất công tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho cho vấn đề gặp phải. Khi đó, dù chủ quan hay khách quan, họ đã ít nhiều tham gia vào một ngành nghiên cứu mà ngôn ngữ học gọi là Danh (xưng) học (Onomastics) với 2 phân nhánh là Nhân danh học (Anthroponomastics) – nghiên cứu về tên người và Địa danh học (Toponomastics / Toponymy) – nghiên cứu về tên đất.

Tuy nhiên, như MacKenzie (2018) và Chumarova, Belyayeva và Mukhametzyanova (2019) nhận xét đóng góp của Danh xưng học trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ chưa được nhiều người giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng vận dụng và đánh giá đúng. Trong khuôn khổ của bài viết, sẽ là thiếu trọng tâm nếu tác giả tập trung chứng minh lợi ích của danh xưng học. Tuy nhiên, để người đọc dễ hình dung về vai trò của ngành khoa học chuyên nghiên cứu về tên riêng, chúng tôi xin nêu ra 3 ví dụ.

Ví dụ 1: “DUNG” hoặc “DŨNG là tên riêng chỉ người khá phổ biến trong tiếng Việt. Trong một thế giới giao lưu văn hóa, nơi tên riêng này sẽ được phát âm theo cách thông thường của tiếng Anh là /dʌŋ/ chứ không phải là /zuːŋ/ như trong tiếng Việt. Sẽ không phải là một liên tưởng dễ chịu với người nói tiếng Anh vì từ “dung” /dʌŋ/ trong tiếng Anh có ý nghĩa từ vựng khá thô thiển.

Ví dụ 2: Nhiều người vẫn ngưỡng mộ hai đại học hàng đầu thế giới của nước Anh là Cambridge và Oxford. Tuy nhiên không phải ai giỏi tiếng Anh, thậm chí là du học sinh tại các đại học này cũng phát âm đúng trên trường và địa danh Cambridge và Oxford. Thực tế tên 2 thành phố này được phát âm lần lượt là /ˈkeɪmbrɪdʒ//ˈɔksfəd/ chứ không phải là /ˈkæmˈbrɪdʒ//ˈɔksˈfɔːd/.

Ví dụ 3: Sông Thames là con sông nổi tiếng chảy qua thủ đô nước Anh. Sông Thames có ý nghĩa văn hóa với người Anh như sông Hồng với người Việt. Tuy nhiên, qua quan sát của người viết phần lớn người học tiếng Anh, thậm chí cả giáo viên tiếng Anh đều phát âm không chính xác tên con sông này trong tiếng Anh. Đa số đều cho là sông Thames được phát âm là /θeɪms/. Tuy nhiên, sẽ là ngạc nhiên với không ít người khi trên thực tế sông Thames được người Anh phát âm là /tɛmz/.

Qua các ví dụ nêu trên, chắc chắn nhiều người đã phần nào từ bỏ nghi ngờ về vai trò của danh xưng học với việc giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là đối với các môn về văn hóa và văn minh. Thực ra, tên riêng (tên người và tên đất) cũng chỉ là một lớp từ vựng (danh từ) nằm trong vốn từ vựng chung của một ngôn ngữ cụ thể (Algeo, 1973; Nuessel, 1992; Coates, 1983, 1999, 2006; Crystal, 2003, Van Langendonck, 2007; Lê Trung Hoa, 2005; Nguyễn Việt Khoa, 2010). Hiển nhiên, người học và dạy ngoại ngữ đều thống nhất ở nhận định: học từ vựng là một phần không thể thiếu được trong việc học ngoại ngữ.

Như vậy, một tên người hay tên đất chỉ đơn giản là một cái tên nhưng việc tìm hiểu những gì đứng sau cái tên đó thực sự vô cùng phức tạp nhưng cũng ẩn chứa bao điều thú vị. Nghiên cứu tên riêng nói chung và địa danh nói riêng đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức tổng hợp – liên ngành về lịch sử, ngôn ngữ, phương ngữ, ngữ pháp, âm học, địa hình học và rất nhiều yếu tố liên quan khác (Beletsky, 1972; Crystal, 2008; Searle, 1971).

2. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ ĐỊA DANH NƯỚC ANH

Trong tiếng Việt, cụm từ nước Anh có thể chỉ nước/xứ Anh (England), Vương quốc Anh (Great Britain) hay Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, UK). Trong khuôn khổ bài viết này, cụm từ “nước Anh” dùng để chỉ England, nước lớn nhất trong Liên hiệp Vương quốc Anh (gồm 4 nước).

Lịch sử địa danh của nước Anh là một phần quan trọng của lịch sử đất nước này. Theo Stenton và Mawer (1933), Coates (1999) và Mills (2003), câu chuyện về địa danh ở nước Anh là một câu chuyện dài, phức tạp với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành địa danh tại đất nước này. Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng nhất chủ yếu đến từ các ngôn ngữ châu Âu. Các cuộc xâm lăng từ lục địa châu Âu cùng với việc các dân tộc từ Bắc Đức, Bắc Âu và vùng Normandy tới định cư tại hòn đảo Anh đã để lại nhiều dấu vết sâu đậm trên địa danh tại Anh. Do vậy, cùng với tiếng Anh cổ, tiếng Celtic, tiếng Gaelic, địa danh tại Anh còn có nguồn gốc từ tiếng Latin, tiếng Na Uy cổ và tiếng Pháp. Mỗi một ngôn ngữ đều mang tới nước Anh những địa danh nhất định và để lại dấu ấn của nó trên những địa danh còn tồn tại tới ngày nay. Điều này khiến địa danh tại Anh vừa phong phú vừa phức tạp.

Những địa danh cổ nhất tại Anh có lẽ là các tên có từ trước thời kì người Celtic đến đảo Anh (thế kỉ thứ IV trước CN). Thậm chí theo Mills (2003, tr. xvii), có những tên đã có từ thời kì đồ đá mới. Theo Coates (1999), tên các con sông như Colne, Itchen, Ouse và Wey là những ví dụ về địa danh có từ thời kì này.

Tiếp đến là thời kì người La Mã đô hộ (đầu CN đến thế kỉ V). Mặc dù các tên La Mã đã gần như không còn nhưng lại có hàng loạt các tên do người Briton (nói tiếng Celtic) hoặc Anglo-Saxon đặt ra khi tiếp xúc với các yếu tố La Mã. Reaney (1960, tr. 79-80) đưa ra ví dụ về các yếu tố như chester hay caster. Theo Reaney, đây là các yếu tố chỉ thành lũy hay pháo đài của quân La Mã. Nhiều nghiên cứu gần đây (Coates 1999, Mills 2003) cho rằng các địa danh nổi tiếng như London, Thames hay York đều ra đời trong thời kì này.

Ngày nay, rất nhiều địa danh tại Anh còn lưu giữ dấu vết tiếng Anh cổ. Theo Crystal (2003, tr. 8 & 160), về cơ bản tiếng Anh cổ là tập hợp của các phương ngữ do người Angle và Saxon nói. Sau sự rút đi của người La Mã vào khoảng giữa thế kỉ thứ V, các tộc người Angle, Saxon, Frisian và Jute từ Bắc Đức bắt đầu di cư tới nước Anh và cùng với đó nhiều địa danh mới đã ra đời. Reaney (1960) và Mills (2003) cho rằng các địa danh có nguồn gốc tên người như Cornwall, Northumberland, nơi cư trú như Kingston, Tonbridge, hay mang yếu tố địa hình như Straford-Upon-Avon, Upwood, v.v., đều cơ bản bắt đầu xuất hiện trong thời kì này (xem thêm Elliott 1997).

Ảnh hưởng tiếp theo đến địa danh tại nước Anh đến từ các bộ tộc sống ở Bắc Âu (nói tiếng Na Uy cổ). Khoảng đầu thế kỉ thứ IX, người Viking bắt đầu gia tăng ảnh hưởng của họ tới nước Anh. Smithard (1912, tr.139-144) cho rằng ở nơi định cư của mình, các bộ tộc bắc Âu này thay đổi các tên có trước, đặt ra các tên mới, hoặc gọi chệch các tên Anh có từ trước. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng yếu tố “by” trong các tên như Derby hay Kirkby là một đóng góp nổi bật của các tên có gốc Bắc Âu vào hệ thống địa danh của nước Anh (Higham & Ryan, 2011; Smithard, 1912; Mills, 2003).

Ảnh hưởng lớn cuối cùng đến địa danh tại Anh là chiến thắng của người Norman năm 1066. Ekwall (1960), Cameron (1961) và Mills (2003) đều cho rằng sau sự kiện này, nhiều tên mới xuất hiện nhưng thực ra thay đổi lớn nhất của địa danh lại nằm cách phát âm các tên đã có. Người Norman cảm thấy không thoải mái khi phát âm địa danh theo kiểu của người Anh. Do vậy, họ đã biến đổi cách phát âm các tên Anh sao cho dễ dàng với họ. Các tên như Nottingham và Durham là kết quả của các biến âm này. Ekwall (1960, tr. xxviii) và Cameron (1961, tr. 92) cho rằng tên gốc của Nottingham và Durham lần lượt là Snotingham và Dunholme.

Các chuyên gia nghiên cứu về địa danh như Forster 1981, Watts 2004 và Mill 2003 đều thống nhất rằng kể từ sau thế kỉ XII tới nay, địa danh tại Anh không có nhiều biến động lớn như những thời kì trước đó. Trong khi ngôn ngữ Anh vẫn biến đổi và phát triển mạnh mẽ nhiều thế kỉ sau đó thì địa danh, với tư cách là một đơn vị từ vựng, lại tham gia rất hạn chế vào quá trình này, và dường như đã ổn định.

Như vậy, quá trình phát triển của địa danh tại nước Anh gắn chặt với quá trình hình thành tiếng Anh và dân tộc Anh. Khi nước Anh đã cơ bản được hình thành thì đó cũng là lúc địa danh tại Anh đi vào ổn định.

Trong phần tiếp theo, từ góc nhìn của ngành địa danh học người viết sẽ tiến hành phân loại địa danh nước Anh về cấu trúc, chức năng, ngữ nghĩa và ngữ âm để làm nổi bật lên những đặc điểm thú vị của lớp vựng đặc biệt này trong tiếng Anh.

3. PHÂN LOẠI ĐỊA DANH

3.1 Dựa trên cấu trúc

Theo Mills 2003, Rajala 2010 và Jepson 2011, dựa trên bình diện cấu trúc, địa danh tại Anh có thể chia làm 2 loại: đơn tốđa tố. Nhóm địa danh đơn tố (simplex) thường là các tên mang dấu ấn địa phương, mô tả một đặc điểm nổi bật nào đó của cảnh vật tự nhiên như các ngọn đồi hoặc thung lũng, hay di tích như các pháo đài La Mã hoặc nơi hành lễ thời tiền sử Elliott (1997) đưa ra các ví dụ dưới đây:

  • Chester, Caster có nghĩa là “pháo đài” hoặc “doang trại” La Mã.
  • Tees, AvonAber có nghĩa là “nước” (sông Tees, sông Avon).

Ngoài ra, theo Mills (2003, tr.75) địa danh đơn tố còn gồm cả những nơi gần hoặc thuộc về một làng, một cộng đồng người nào đó. Ví dụ:

  • Bootle có nghĩa là “nơi ở” (tại vùng Merseyside).
  • Wick có nghĩa là “chỗ ở”, “nông trại”, hoặc “chợ” (tại vùng Devon).

Trên bình diện cấu trúc, loại địa danh thứ hai là đa tố hay địa danh phức hợp (compound). Theo Rajala (2010) và Jepson (2011), cấu tạo của loại địa danh này thường gồm một yếu tố có tính chất tính từ kết hợp với một (hoặc hơn một) yếu tố chỉ địa hình hoặc nơi cư trú. Phần lớn địa danh tại nước Anh thuộc nhóm này và hình thành trong giai đoạn người Anglo-Saxon thôn tính hòn đảo Anh. Dưới đây là một vài địa danh trích từ Từ điển Phát âm Địa danh nước Anh của Forster (1981) và Từ điển Địa danh nước Anh của Mills (2003):

  • Bredon, Penwith: tiền tố bre-pen- trong tiếng Anh cổ đều có nghĩa là “hill” (ngọn đồi).
  • Charton: hậu tố –ton có nghĩa là “nông trại” còn “Charl” có gốc từ từ cổ “churl” có nghĩa là “người đàn ông”.
  • Oldham, Shoreham: hậu tố -ham trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “thuộc về nhà cửa hoặc làng mạc”.
  • Rottingdean, Saltdean, Bevendean: hậu tố -dean chỉ “thung lũng”.
  • Manchester, Lancaster: hậu tố -chester, -caster chỉ doang trại của quân La Mã.
  • Dundee, Duncombe: tiền tố dun- chỉ “pháo đài”.

3.2 Dựa trên chức năng

Trong một nghiên cứu đưa ra năm 1997, Elliott cho rằng nếu xem xét địa danh tại nước Anh trên bình diện chức năng, có thể thấy có 3 nhóm tên chính: tên có nguồn gốc tên người (folk name), tên gắn với nơi cư trú (habitative name) và tên dựa trên địa hình (topographic name).

Về các địa danh có nguồn gốc tên người, đây thường là tên của một dân tộc hoặc nhóm người sinh sống trên địa bàn mang tên. Ví dụ, vùng Sussex được hiểu là “vùng sinh sống của người Saxon ở phía nam (Saxon in the south). Cách giải thích cho Essex, Wessex và Middlesex cũng tương tự như vậy với ý nghĩa tương ứng là “phía đông, phía tây và miền trung” (xem Coates, 1983, 1999). Những địa danh loại này thường rất cổ và không phải người Anh nào cũng biết về nguồn gốc của chúng.

Nhóm địa danh thứ hai là các tên gắn với nơi cư trú của người Anh. Loại địa danh này có thể là các tên đơn tố cũng có thể là tên đa tố. Các địa danh thuộc nhóm này rất phong phú, đa dạng. Chúng có thể chứa các yếu tố liên hệ đến nhà cửa, nông trại, xóm làng, thành lũy, v.v. Theo INS (2020), trong các tên loại này yếu tố thứ hai bao giờ cũng mô tả nơi cư trú. Ví dụ các yếu tố ham – nhà cửa, worth – hàng rào, wīc (wick) – nơi ở, burh – thành lũy, tūn (ton) – trang trại trong tiếng Anh cổ, – nông trại và thorp – ngoài nông trại trong tiếng Na Uy cổ trong các địa danh như Seaham, Middleton, Redworth, Lulworth, Ipswich, Didcot, Aylesbury, Grimsby, and Woodthorpe. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những yếu tố mô tả nơi cư trú thường mang nhiều ý nghĩa do được dùng ở nhiều địa phương khác nhau, trải qua nhiều thời kì phát triển, hoặc do kết hợp với những yếu tố khác. Chẳng hạn, hậu tố tūn (ton) trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “hàng rào” trong một số tên trong khi đó lại có nghĩa là “xóm làng, nông trại, nhà cửa” trong một số tên khác.

Bên cạng các nhóm địa danh có nguồn gốc tên người và nơi cư trú, nhóm địa danh hình thành theo địa hình cũng có số lượng rất phong phú. Watts (2004) cho rằng về nguồn gốc, đây là những tên có tính chất mô tả về địa hình sinh sống của người Anh cổ. Chúng có thể là đặc điểm của địa hình tự nhiên nhưng cũng có thể là những đặc điểm do con người tạo ra. Chính vì vậy ta có thể gặp các tên sông, suối, hồ, ao, rừng, núi, thung lũng trong rất nhiều các địa danh tại Anh như Oxford, Bakewell, Fulbrook, Goodwood, Moulsecoomb, Airedale, Sheffield, Liverpool, v.v. Trong các tên loại này, yếu tố thứ 2 thường mô tả địa hình sinh sống như –ford – đường, ngã ba, -coomb hoặc -dale – thung lũng.

Nói tới ý nghĩa của địa danh ở đây là nói tới nghĩa từ nguyên học chứ không phải nghĩa từ vựng thông thường. Nhìn suốt lịch sử nước Anh và tiếng Anh, ta thấy ý nghĩa của các từ chỉ địa hình không phải là không thay đổi ở các địa phương khác nhau. Trên thực tế, chúng thay đổi theo các giai đoạn của lịch sử trong suốt thời trung cổ. Chẳng hạn, theo Mills (2003), yếu tố feld trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “đất vô chủ” sau này thay đổi thành “đất có chủ”, yếu tố wald là “rừng” đổi thành “vùng cao”, yếu tố ēah cũng là “rừng” sau này đổi thành “vùng khai hoang” rồi “đồng cỏ”. Việc lựa chọn và xác định xem nghĩa từ nguyên của một địa danh nào đó là gì đòi hỏi người nghiên cứu phải xét đến các yếu tố như địa chính trị trong khu vực, bản chất ngôn ngữ của từ ghép và cả tuổi của địa danh.

4. Ý NGHĨA CỦA ĐỊA DANH

Nói tới địa danh, ta thấy chúng vừa như quen vừa như lạ. Quen là vì ta dùng chúng để gọi tên các địa điểm mỗi khi cần. Khi đó chúng hoạt động như là những nhãn mác thông thường. Lạ là vì địa danh nào cũng ẩn chứa trong nó những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử mà không phải ai cũng nắm vững. Địa danh tại nước Anh cũng vậy. Cũng như ngôn ngữ và đất nước Anh, chúng là một phần của di sản văn hóa Anh.

Reaney (1960, tr.1-17) nhận xét rằng nhân sinh quan và thế giới quan của người Anh thời xa xưa được thể hiện khá rõ nét qua các địa danh. Hình ảnh của các ngọn đồi, thung lũng, con suối, con sông, hồ nước, rừng cây thường xuyên xuất hiện trong các địa danh. Các yếu tố quan trọng với người nông dân cũng được lấy làm địa danh như chất đất, mục đích sử dụng đất, độ nông sâu của sông suối, đồng cỏ cho gia súc, đất khai hoang trồng trọt, sự hiện diện của các loài vật ăn thịt như cáo, chó sói, các loài cho thịt, sữa, lông như bò hoặc cừu, v.v.

Trong đầu chúng ta chắc đã không ít lần vang lên câu hỏi “Cái tên này nghĩa là gì?”. Chẳng hạn, đối với tên thủ đô Hà Nội, hầu hết người Việt Nam có học vấn trung bình đều ít nhiều biết ý nghĩa gốc của nó là “mảnh đất phía trong sông” hoặc “mảnh đất giữa các dòng sông”. Tuy nhiên, nếu đi về phía tây của Hà Nội trong bán kính vài chục cây số, hàng loạt các địa danh chỉ có một tiếng (một âm tiết) như (cầu) Giấy, Diễn, Nhổn, Trôi, Chèm, Phùng, Bún, Gạch chắc chắn sẽ làm nhiều người bối rối khi vấn đề ý nghĩa của chúng được đề cập.

Trở lại với tiếng Anh, tương tự như trên, rất nhiều người nước ngoài học tiếng Anh và thậm chí cả người Anh bản xứ cũng không ít lần tự hỏi tại sao lại có những tên kì lạ và có thậm chí hơi thô tục như Great Snoring, Blackburn, Thong hay Penistone, rồi nghĩa của Coldean hay Fiveways là gì, hoặc nguồn gốc cả các tên quen thuộc như như Liverpool, Bath, hay Winsor là ở đâu, rồi tại sao yếu tố -ham, -bury, -chester hay -ton thường xuất hiện trong các địa danh.

Thực ra, tất cả các địa danh và yếu tố cấu thành địa danh nêu trên đều có nghĩa gốc, hay nói cách khác là có nguồn gốc riêng của chúng. Nếu nói một cách hình tượng thì nguồn gốc và ý nghĩa của chúng “ẩn nấp” phía sau hình thức từ vựng hiện đại của chúng. Mặc dù có nguồn gốc từ các đơn vị lời nói, do tổ tiên xa xưa của người Anh sáng tạo ra để gọi tên (mô tả) nơi sinh sống và các mối liên hệ với nơi sinh sống, hầu hết các địa danh trong quá trình phát triển của mình đã bị lớp bụi thời gian phủ kín, mất đi ý nghĩa ngôn ngữ và chỉ còn hoạt động với tư cách như vỏ bọc hay nhãn mác mà thôi. Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta biết rằng phần lớn địa danh đều có hàng nghìn năm tuổi và chúng thuộc về những lớp từ vựng của tiếng Anh cổ hay các ngôn ngữ cổ và trung cổ khác.

Điều thú vị là, khác với các đơn vị từ vựng thông thường, nhiều địa danh đã thay đổi rất ít, hoặc thậm chí không thay đổi suốt nhiều thế kỉ qua. Mills (2003) và Coates (1999) cho rằng nhìn vào các địa danh đó ta vẫn ít nhiều đoán định được nghĩa gốc của nó dựa trên các yếu tố từ vựng hiện đại. Các tên như Claybrooke, Horseheath, Nettlebed, Oxford, Saltmarshe, Woodbridge, Sandford hay Oldland là các ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguồn gốc của địa danh đơn giản qua biểu hiện bên ngoài của các yếu tố từ vựng. Nếu không xem xét kĩ các yếu tố từ nguyên học, hình thức hiện đại của địa danh đôi khi sẽ đánh lừa chúng ta. Watts (2004) dẫn ra các ví dụ về nghĩa gốc của các địa danh như Easter là “chuồng cừu, bãi chăn thả cừu”, Slaughter là “(chỗ) lầy lội”, Swine là “khe, lạch” và Wool là “con suối”. Quả thực, nếu chỉ xét về vỏ bọc từ vựng hiện đại thì người nghiên cứu sẽ không thể tìm ra ý nghĩa gốc của những địa danh nêu trên vì chúng là những từ cổ, tồn tại dưới dạng “hóa thạch” trong vỏ bọc địa danh và các nghĩa cổ không còn được sử dụng trong giao tiếp hiện đại nữa.

Bên cạnh đó, theo Reaney (1960, tr.17-18) có nhiều tên khác nhau về chính tả nhưng lại có thể chung ngồn gốc. Chẳng hạn, AldermastonAlderminster đều chỉ “trang trại của quý tộc”, ChiswickKeswick đều là “chỗ làm pho-mát” và Naunton, Newington, Newnton, Newton hay Niton đều là “trang trại mới”.

Dù là đối với tên đất hay tên người, muốn xác định được nghĩa gốc tên, người ta phải tiếp cận được những lớp ngôn ngữ nằm sâu dưới giá trị bề mặt của tên. Nghiên cứu địa danh của nước Anh trước hết đòi hỏi phải khảo sát kĩ lưỡng các yếu tố chính tả và đặt chúng trong quá trình biến đổi ngữ âm của các phương ngữ và ngôn ngữ Anh. Song song với đó, phải thực hiện những so sánh toàn diện giữa những tên giống nhau để tìm ra những tương đồng cũng như dị biệt. Cuối cùng, mọi nghiên cứu về địa danh phải dựa trên nền tảng kiến thức liên ngành về dân tộc, ngôn ngữ, lịch sử và địa lý.

5. VẤN ĐỀ PHÁT ÂM ĐỊA DANH

Như đã trình bày ở trên, địa danh là một loại từ đặc biệt nằm trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ. Do vậy, cách phát âm địa danh cũng nằm trong quy luật phát âm chung của ngôn ngữ đó. Địa danh tại nước Anh cũng vậy. Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các tên được phát âm theo quy tắc, lại tồn tại những địa danh có cách phát âm rất đặc biệt. Foster (1981, tr. 7) cho rằng kết quả của hàng nghìn năm chịu tác động của nhiều yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, chính trị, địa lí, v.v, đã làm cho địa danh tại nước Anh không những phong phú về số lượng mà còn đa dạng về phát âm.

Trên thực tế, tại nước Anh, rất nhiều tên thành phố hoặc làng mạc có cách phát âm làm không ít người học tiếng Anh cảm thấy bối rối. Nếu phát âm những địa danh này theo các nguyên tắc chính tả và ngữ âm thông thường thì chắc chắn người học tiếng Anh, dù nắm rất vững về ngữ âm, sẽ vẫn phát âm không chính xác. Những người có trình độ tiếng Anh tốt sẽ rất tự tin để phát âm các địa danh như Frome hay Woolfardisworthy, và chắc sẽ không khỏi “sốc” khi trên thực tế 2 địa danh này được phát âm là /fru:m//’wulzəri/ (BBC, 2019). Cách phát âm tên sông Thames như đã đề cập tới ở trên là cũng là một trong những ví dụ điển hình. Có thể coi như đây là một loại bẫy ngôn ngữ mà rất ít người học tiếng Anh như một ngoại ngữ có thể thoát khỏi.

Trong quá trình thu thập tư liệu để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có cơ hội đối chiếu thực tế cách phát âm địa danh nước Anh của 3 đối tượng: người Anh bản xứ, sinh viên nước ngoài đang học tập tại Anh và những người học tiếng Anh tại Việt Nam. Kết hợp với việc tham khảo từ điển phát âm địa danh của Miller (1971), Foster (1981) và Mills (2003), chúng tôi xin giới thiệu danh sách các hậu tố của địa danh (Bảng 1) và những địa danh tương đối quen thuộc tại nước Anh (thường thấy trong các giáo trình dạy tiếng Anh) nhưng có cách phát âm khác thường và hay bị nhẫm lẫn (Bảng 2). Cách phát âm RP (Received Pronunciation – thường được gọi là cách phát âm tiếng Anh của BBC) được sử dụng làm chuẩn mực để đối chiếu cho cách phát âm các địa danh dưới đây.

Bảng 1: Hậu tố phổ biến trong từ chỉ địa danh nước Anh và cách phát âm

Bảng 2: Một số địa danh phổ biến có cách phát âm khác thường

6. KẾT LUẬN

Rõ ràng các địa danh của nước Anh chứa đựng trong chúng nhiều yếu tố ngôn ngữ – văn hoá – lịch sử bí ẩn nhưng nếu được giải mã thì sẽ rất thú vị. Với lịch sử lâu dài (có rất nhiều tên đã tồn tại hàng nghìn năm nay), địa danh của nước Anh đã trở thành đối tượng nghiên cứu của không chỉ ngôn ngữ học mà còn của nhiều ngành khoa học xã hội – nhân văn khác. Dù được kết cấu đơn tố hay đa tố, dù có chức năng trực chỉ tên người, địa bàn cư trú hay tính chất địa hình, địa danh của nước Anh cũng luôn phản ánh cái nhìn rất đặc thù của người Anh trước đây với mảnh đất nơi họ sinh sống. Về mặt phát âm, do chịu ảnh hưởng của nhiều ngôn ngữ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử (thậm chí có ngôn ngữ đã trở thành tử ngữ), khá nhiều địa danh của nước Anh còn lưu giữ trong chúng những yếu tố ngữ âm cổ mà đã bị lớp bụi thời gian phủ kín trong tiếng Anh hiện đại.

Trong khuôn khổ của một bài viết, để có thể trình bày cặn kẽ mọi khía cạnh của vấn đề địa danh tại nước Anh là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bài viết có thể gợi mở và cung cấp cho những nhà nghiên cứu tên riêng và những người đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh và văn hoá Anh một số thông tin bổ ích, góp phần làm phong phú hơn bề dày của lĩnh vực chuyên môn mà họ theo đuổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Algeo, J. (1973) On Defining the Proper Name, Gainesville: University of Florida Press.
  2. BBC. (2020, 03 20). Frome tops list of most difficult to pronounce place names in the UK. Trích từ BBC News: https://www.bbc.com/news/uk-england-somerset-49813249.
  3. Beletsky, A. (1972). Lexicology and theory of linguistics: (Onomastics). Kiev: KSU
  4. Cameron, K. (1961). English Place-Names. London: B.T. Batsford.
  5. Chumarova , L., Belyayeva, E., & Mukhametzyanova, R. (2019). Educational value of toponymical dictionaries in teaching foreign language. Humanities & Social Sciences Reviews, 7(6).
  6. Coates, R. (1983). The Linguistic History of Early Sussex: The Place-Name Evidence. Brighton: University of Sussex.
  7. Coates, R. (1999). Place-Names before 1066. Chichester: Phillimore.
  8. Coates, R. (2006). ‘Names’, in Hogg, R.M. and Denison, D. (ed.) A History of the English Language, Cambridge: Cambridge University Press.
  9. Crystal, D. (2003). The Cambridge Encyclopedia of the English Language. Cambridge: Cambridge University Press.
  10. Elliott, K. (1997). A Survey of the History of English Place­-Names. Sussex University Library: Dame Cateline de la Mor la souriete.
  11. Ekwall, E. (1960). The concise Oxford dictionary of English place-names. Oxford: Clarendon Press.
  12. Foster, K. (1981). A Pronouncing Dictionary of English Place-Names. London: Routledge and Kegan Paul.
  13. Higham, N., & Ryan, M. (2011). Place-names, Language and the Anglo-Saxon Landscape. London: Boydell Press.
  14. INS. (2020, 03 20). Institute for Name-Studies. INS – School of English – University of Nottingham. Trích từ https://www.nottingham.ac.uk/research/groups/ins/
  15. Jepson, B. (2011). English Place-Name Elements Relating to Boundaries. Centre for Languages and Literature, Lund University.
  16. Lê Trung Hoa (2005). Họ và tên người Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
  17. MacKenzie, L. (2018). What’s in a name? Teaching linguistics using onomastic data. Language, 94(4).
  18. Mills A.D. (2003). A Dictionary of British Place-Names. London: Oxford University Press.
  19. Nguyễn Việt Khoa (2010). A cross-cultural approach to personal naming: given names in the systemsof Vietnamese and English, Ph.D Thesis, University of Sussex, UK.
  20. Nuessel, F. (1992) The Study of Names: A Guide to the Principles and Topics, London: Greenwood Press.
  21. Rajala, H. (2010). English Place-names. Innervate, 2(2009-2010).
  22. Reaney, P.H. (1960). The Origins of English Place­-Names. London: Routledge and Kegan Paul.
  23. Searle, J. (1971) ‘The Problem of Proper Names’, in Steinberg, D.D. and Jakobovits, L.A. (ed.) Semantics: An Interdisciplinary Reader in Philosophy, Linguistics and Psychology, Cambridge: Cambridge University Press.
  24. Smithard, W. (1912). Place-names at or near Derby. Derbyshire Archaeological Journal Archeological and Natural History Society, 34(2).
  25. Stenton, F.M. & Mawer, A. (1933). Introduction to the Survey of English Place-Names. Cambridge: Cambridge University Press.
  26. Van Langgendonck. W. (2007). Theory and Typology of Proper Names, Berlin: Walter de Gruyter.
  27. Watts, V. E. (2004). The Cambridge Dictionary of English Place-Names. Cambridge: Cambridge University Press.

Loading

Leave a Reply