17:32′ 09/07/2009 (GMT+7)
– Hôm nay (9/7), tại cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay, không điều kiện 12 ngư dân và 2 tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt khi đang hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Lê Dũng cho biết Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại đối với sức khoẻ và tài sản của ngư dân bị bắt giữ, sớm thông báo tình hình và kết quả giải quyết vụ việc cho phía Việt Nam theo đúng quy định của Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Phía Trung Quốc đã ghi nhận yêu cầu của phía Việt Nam và sự việc đang được giải quyết thông qua con đường ngoại giao”, người phát ngôn cho hay.
Trước đó, theo thông tin của các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 21/6, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên.
Ngày 25/6, chỉ có hai tàu cá gồm 25 ngư dân được trả về Việt Nam an toàn. Giam giữ 12 ngư dân và 2 tàu cá còn lại, Trung Quốc yêu cầu ngư dân phải nộp đủ tiền phạt mới được trả tự do. Mức tiền phạt này lên đến hàng trăm triệu đồng.
Phía Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và tàu cá còn lại, không có hành động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phản ứng trước sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về quan điểm của Việt Nam trước việc các nước xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, ông Lê Dũng cho hay do nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mekong nên Việt Nam rất quan tâm thông tin tác hại khai thác tới dòng chảy và môi trường sinh thái, đặc biệt là với các nước hạ lưu.
“Sông Mekong là sông quốc tế, việc khai thác cần tính đến lợi ích các nước trong lưu vực, bảo vệ môi trường và dân cư sinh sống dọc sông Mekong. Việt Nam đang tích cực phối hợp xây dựng dự án và chương trình hợp tác bảo vệ và sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên của sông Mekong, đặc biệt là nguồn nước. Việt Nam muốn hợp tác theo hướng đó để đáp ứng lợi ích và yêu cầu phát triển bền vững của các nước trong lưu vực sông Mekong”, ông Lê Dũng nói.
Linh Thư