Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội vừa cho BBC Việt ngữ biết quan điểm của mình về các vụ bắt thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu Trung tá Trần Anh Kim và luật sư Lê Công Định mới diễn ra.
Nghe câu hỏi khó của BBC:
BBC phong van ong Nguyen Trong Phuc
Trả lời BBC Việt ngữ hôm 09/7/2009, Giáo sư Phúc nói:
“Bất cứ ai có hành vi chống đối lại nhà nước, dù là ở ngoài hay ở trong bộ máy chính quyền, đảng, nhà nước đều phải được xử lý nghiêm.
“Thậm chí với những người đang có các vị trí này, khác trong bộ máy nhà nước mà vi phạm pháp luật, tham nhũng, hoặc chống đối nhà nước, thì việc xử lý là hoàn toàn bình thường, và tôi tin là ở nước nào cũng vậy thôi.”
Được hỏi xem liệu các vụ bắt giữ cấp tập này có thể hiện sự thay đổi trong chính sách của chính quyền và đảng cộng sản đối với các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến ôn hòa trong nước hay không, ông Phúc nói:
“Không nên nghĩ là trước đây nhà nước và các đồng chí lãnh đạo mềm dẻo, con nay là cứng rắn. Đó là hai việc khác nhau.
“Chính sách chung của đảng và nhà nước vẫn là cởi mở, còn với các trường hợp cụ thể, chống đối thì phải xử lý thôi.”
Trước câu hỏi liệu các vụ bắt giữ này có gây ra không khí e ngại, lo sợ theo kiểu bị khủng bố tinh thần trong dư luận, đặc biệt với những ai trong các tầng lớp nhân dân muốn lên tiếng, phê bình, chỉ trích đường lối của đảng và nhà nước hay không, quan chức cao cấp của Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia này cho hay:
Việc báo chí đưa tin rầm rộ không có ý tạo ra dư luận răn đe gì đâu.
GS. Nguyễn Trọng Phúc
“Theo tôi, đảng và nhà nước vẫn chân trọng những ý kiến trung thực và chân thành đóng góp cho đất nước. Còn những ai chống đối thì phải xử lý như đã nói.
“Việc báo chí đưa tin rầm rộ như vừa rồi không có ý tạo ra dư luận răn đe gì đâu. Báo chí hiện nay vẫn đưa tin rất công khai các vụ bắt giữ với những người vi phạm pháp luật, như các vụ tham nhũng lớn v.v… Tôi thấy không có gì đặc biệt ở đây.”
Người đã và đang nghiên cứu, biên soạn, xây dựng và góp ý nhiều tài liệu cao cấp có liên quan tới chính sách, đường lối của Đảng và bộ máy chính quyền nhận định cụ thể về nguyên nhân các vụ bắt giữ các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim và Lê Công Định:
“Bản thân họ đã bộc lộ ý đồ chính trị rất rõ ràng. Các đối tượng này chống đối lại nhà nước và chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa.
“Đương nhiên những người này nếu nhận thức được vấn đề, hối lỗi và ăn năn, thì xử lý sẽ khác. Việc xử lý cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ của các đương sự đó.”
Việt Nam và quốc tế
Bàn về khác biệt trong cách ứng xử đối với những người bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động dân chủ thách thức vị thế của đảng cầm quyền, giữa Việt Nam, các nước trong khu vực và quốc tế, Giáo sư Phúc nói:
“Theo tôi mỗi nước có cách xử lý riêng của người ta. Có thể họ không bắt bớ, mà cũng không nên bàn tới chuyện bắt hay không, nhưng nếu đụng tới lợi ích quốc gia, chế độ, thể chế và lợi ích của nhà nước thì người ta sẽ có cách xử lý kịp thời.”
Đối với đề nghị công khai đòi thành lập và đưa vào hoạt động một đảng phái chính trị ở trong nước, như trường hợp đảng Dân Chủ mà các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim đưa ra, cựu Viện trưởng Viện lịch sử Đảng bình luận:
“Luật pháp Việt Nam quy định là tại Việt Nam chỉ có một đảng cộng sản và không thừa nhận chế độ đa nguyên, đa đảng, nhất là đảng đối lập.
“Cương lĩnh của đảng và pháp luật của nhà nước không cho phép cái đó. Nhiều nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia v.v… về thực chất là một đảng. Nói chung là pháp luật đã quy định như thế thì phải chấp hành.
Nhưng Giáo sư Phúc cũng nói về một sự điều chỉnh về thể chế trong tương lai:
Khuôn khổ pháp luật của nhà nước Việt Nam chưa cho phép làm điều đó, thì việc anh vận động, tổ chức, rồi có sự chỉ đạo từ nước ngoài, thì cái đó là không thể được
GS. Nguyễn Trọng Phúc
“Trong tương lai cũng có thể có viễn cảnh Việt Nam với nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại và hoạt động, thế nhưng khuôn khổ pháp luật trong hiện tại hiện này vẫn là như vậy.
“Và hiện tại này theo tôi cũng không phải là ngắn ngủi mà còn có thể kéo dài. Nhưng nếu có một viễn cảnh mà hệ thống đa đảng bộc lộ được những điểm tốt, thì cũng có thể có những điều chỉnh và lúc ấy hãy hay.”
Giáo sư Phúc, người cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội sử học Việt Nam, nói về điều kiện để các đảng phái khác với đảng Cộng sản có thể được hoạt động tại Việt Nam:
“Khi sự phát triển của xã hội và xu thế chung phù hợp, đến đó thì sẽ bàn. Còn các đề án mà các nhóm, tổ chức đưa ra như hiện nay mới chỉ dừng ở mức cương lĩnh, mục tiêu, cái đó thì nhiều lắm.
“Nhưng cái chính là chúng cần phải được khảo nghiệm, thử nghiệm, chứng minh trong thực tiễn, lịch sử như thế nào.
“Hiện nay khuôn khổ pháp luật của nhà nước Việt Nam chưa cho phép làm điều đó, thì việc anh vận động, tổ chức, rồi có sự chỉ đạo từ nước ngoài, thì cái đó là không thể được,” Giáo sư Phúc nhấn mạnh.
(Theo BBC Việt ngữ)
==============================