Lời dẫn:
Mình đã có ý định đăng một bài về vấn đề “Viết hoa tên riêng trong tiếng Việt” từ lâu. Nhân hôm nay trao đổi với một bạn trẻ và một bạn già về vấn đề viết hoa tên riêng trong tiếng Việt, mình nhận thấy nên viết để làm rõ vấn đề, ngõ hầu cùng mọi người có nhận thức chung thống nhất về vấn đề viết hoa tên riêng trong tiếng Việt.
Để các bạn dễ hình dung, mình xin nêu lại ví dụ với “bạn trẻ – bạn già”.
Bạn trẻ gửi mình một văn bản trong đó viết:
Viện Ngoại Ngữ – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Mình khuyến nghị bạn trẻ sửa thành:
Viện Ngoại ngữ – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Bạn trẻ: ‘Em chẳng thấy chỗ nào viết như anh gợi ý’.
Bạn già: ‘Viện Ngoại ngữ – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội’
Cả bạn trẻ và bạn già đều có căn cứ qua hàng loạt các văn bản, trang web, tài liệu… trong và ngoài trường để minh chứng và phản biện.
Mình thử cố đưa ra căn cứ, gắng thuyết phục hai bạn một lần, rồi… im lặng về nhà viết bài này!!!
Chắc chắn về vấn đề “viết hoa” mình chưa phải là chuyên gia, song mình biết mình đang nói gì khi đề cập tới vấn đề “viết hoa tên riêng trong tiếng Việt” vì đơn giản là mình biết và làm chủ những gì mình đang nói!!!
“Viết hoa” đúng chuẩn là một câu chuyện không đơn giản. Chẳng thế mà đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ mới dừng lại ở “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”, và tính tới thời điểm này (11/2014 (đăng lần 1) – 12/2018 (cập nhật) Bộ cũng chưa có quyết định cuối cùng nào trên vấn đề quen thuộc nhưng phức tạp này.
Hầu như ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc viết hoa tên riêng và luôn cố gắng viết đúng chuẩn mực, viết đúng quy định. Song khó khăn chính lại không nằm ở tự thân vấn đề “viết hoa” mà lại nằm ở việc hiểu và định nghĩa tên riêng một cách đúng đắn thì mới có thể viết hoa đúng được.
“Tên riêng là gì?” lại là câu hỏi lớn, thậm chí còn lớn hơn vấn đề viết hoa.
Mình sẽ trở lại vấn đề “tên riêng – tên chung” trong một dịp khác.
Bài viết dưới đây được biên tập từ ba nguồn chính sau:
- Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính” (phần “Viết hoa trong văn bản hành chính”).
- Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”.
- Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.
Ngoài ra, bài viết cũng tham khảo nhiều tài liệu khoa học đề cập tới vấn đề viết hoa trong tiếng Việt. Đặc biệt, các ý kiến của GS. Nguyễn Văn Khang về vấn đề viết hoa tên riêng được chúng tôi trân trọng và đồng thuận ở mức độ cao.
***
QUY TẮC VIẾT HOA TRONG TIẾNG VIỆT
(trong văn bản hành chính và sách giáo khoa – cập nhật 17/12/2018)
I. VIẾT HOA TRÊN CƠ SỞ CÚ PHÁP
1. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh:
- Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!); sau dấu chấm lửng (…); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “…”) và khi xuống dòng.
-
Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của nội dung khoản, điểm, toà nhà, cổng…. Ví dụ: Khoản A, Điều IV, Nhà E10, Cổng 8, Phòng 201…
Nói chung, phần lớn những người có trình độ THPT trở lên đều hiểu và áp dụng đúng các quy tắc cụ thể này.
2. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (;) và dấu phẩu (,) khi xuống dòng:
Ví dụ:
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
3. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của nội dung (điểm, khoản, nhà…):
Ví dụ: Khoản A, Điều IV, Nhà E10, Cổng 8, Phòng 201…
II. VIẾT HOA DANH TỪ RIÊNG CHỈ TÊN NGƯỜI
1. Tên người Việt Nam
a. Tên thông thường, tên người Việt Nam: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người.
Ví dụ:
– Triệu Thị Trinh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Ái Quốc;
– Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Tài Cẩn;
– Nguyễn Trần Việt Tiến, Lê Giang, Phạm Phương Thảo, Giàng A Páo, Kơ Pa Kơ Lơng…
b. Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử, truyền thuyết: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết.
Ví dụ: Vua Hùng, Ông Gióng, Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trạng Trình, Bác Hồ…
Chú ý: Tên danh nhân, nhân vật lịch sử được cấu tạo bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung với bộ phận tên gọi cụ thể cũng được coi là tên riêng và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người.
2. Tên người nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt
a. Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam.
Ví dụ: Ái Tân Giác La, Thành Cát Tư Hãn, Kim Nhật Thành, Tưởng Giới Thạch…
b. Trường hợp phiên âm không qua âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp, hoặc phỏng âm sát với cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố.
Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen, Phi-đen Cat-xtơ-rô, Kim Châng Un, Pắc Cưn Hê…
* Chú ý: Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phiên âm tên riêng trực tiếp, sát với cách đọc của nguyên ngữ, chẳng hạn:
– Ở khía cạnh chính tả (Lê-nin hay Lênin, Kim Châng Un hay Kim Châng-un, Pu-tin hay Putin);
– Như thế nào là “sát với cách đọc nguyên ngữ” (Ba-rắc Ô-ba-ma hay Bờ-rắc Ô-bá-mờ).
Rất nhiều cơ quan báo chí giữ nguyên các tên riêng loại này như trong nguyên gốc Âu-Mỹ, viết qua ngôn ngữ trung gian như tiếng Anh, tiếng Pháp (Barack Obama, François Hollande) hoặc phiên âm La-tinh của tiếng Hán cho các tên riêng Trung Quốc, Hàn Quốc (Li Tie, Xi Jinping, Park Hang-seo).
III. VIẾT HOA TÊN ĐỊA LÝ
1. Tên địa lý Việt Nam
a. Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, xã…) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.
Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk…; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H’leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát…; phường Nguyễn Trãi, phường Bách Khoa, xã Ia Yeng…
b. Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.
Ví dụ: Quận 1, Phường 12…
c. Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
d. Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm v.v…) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.
Ví dụ: Hồ Gươm, Lò Đúc, Vũng Tàu, Gành Hào, Cầu Giấy, Mũi Né,…
Chú ý: Với trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng, không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng (chợ Cầu Diễn, hồ Núi Cốc, vịnh Vũng Rô, hồ Suối Hai,…
e. Tên địa lí được cấu tạo bởi danh từ chỉ hướng hoặc bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung hay danh từ chỉ hướng với bộ phận tên gọi cụ thể: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì phải viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết.
Ví dụ: Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ, Trường Sơn Tây…
2. Tên địa lý nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt
a. Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam.
Ví dụ: Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Hồng Công, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ai Cập, Bồ Đào Nha…
b. Tên địa lý phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài quy định tại Điểm 2b, Khoản 2, Mục II bên trên)
Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn, Sing-ga-po, Cô-pen-ha-ghen, Béc-lin…
* Xem thêm phần Chú ý ở Điểm 2b, Khoản 2, Mục II.
IV. VIẾT HOA TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐOÀN THỂ
Tên gọi của các cơ quan, tổ chức, công ty… là một đơn vị định danh, tức là một tên riêng nhưng chúng lại không phải là danh từ riêng. Phần lớn tên gọi lại này là một chuỗi từ bao gồm cả danh từ riêng là danh từ chung (hoặc toàn danh từ chung).
Chẳng hạn: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam
Đây là tên riêng nhưng rõ ràng không thể coi nó là danh từ riêng để có thể viết hoa tất cả các thành tố kết hợp thành tên gọi.
Nguyên tắc viết hoa như sau:
Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể:
- (a) Theo quy tắc chung của chuẩn chính tả tiếng Việt, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu của cả tên gọi.
- (b) Viết hoa chữ cái âm tiết đầu của bộ phận danh từ chung chỉ loại hình cơ quan, nhiệm vụ, chức năng…
- (c) Viết hoa bộ phận lấy làm danh hiệu dù nó là danh từ chung (vì đã được riêng hoá).
- (d) Địa điểm, địa danh… viết hoa như quy định ở Mục II.
Ví dụ:
Trường | Đại học | Bách khoa | Hà Nội |
(a) | (b) | (b) | (d) |
Uỷ ban nhân dân | phường Bách Khoa |
(a) | (c) |
1. Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng.
Ví dụ:
– Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
– Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
– Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;
– Trường Tiểu học Lê Văn Tám;
– Nhà máy Cơ khí Nông nghiệp I;
– Công ty Cổ phần Đầu tư Tư vấn và Thiết kế xây dựng Nam Bình;
– Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình;
– Hội Sinh viên Việt Nam;
– Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
– Phòng Nghiên cứu khoa học.
Trường hợp viết hoa đặc biệt:
– Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
– Văn phòng Trung ương Đảng.
2. Tên cơ quan, tổ chức, công ty nước ngoài
a. Tên đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam.
Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)….
b. Tên được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La–tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. Tuỳ từng trường hợp, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên dạng không viết tắt
Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, NATO, APEC, WB (Ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank), FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga).
c. Tên như một thương hiệu: Viết như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La–tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh.
Ví dụ: Apple, Microsoft, Facebook, Huawei.
Hiện nay, xu hướng viết như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh đang chiếm ưu thế.
V. VIẾT HOA CÁC TRƯỜNG HỢP KHÁC (VIẾT HOA TU TỪ)
1. Danh từ chung đã riêng hóa hoặc trường hợp đặc biệt
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng.
Ví dụ:
– Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam).
– Nhân dân, Nhà nước…
2. Tên dân tộc tại Việt Nam
a. Tên dân tộc:
Ví dụ: Kinh, Tày, Hà Nhì, Chứt, La Hủ, Vân Kiều…
b. Tên người, tên địa lí và tên các dân tộc Việt Nam thuộc các dân tộc thiểu số anh em có cấu tạo từ đa âm tiết (các âm tiết đọc liền nhau): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết.
Ví dụ:
– Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi.
– Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang-lơng.
– Y-rơ-pao, Chư-pa.
Tuy nhiên, xu hướng viết như Điểm (a) hoặc La-tinh hoá (Ksor Phước, Y Tru Alio) ngày càng được sử dụng rộng rãi.
3. Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự
Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ, hạng.
Ví dụ:
– Huân chương Độc lập hạng Nhất;
– Huân chương Sao vàng;
– Anh hùng Lao động;
– Nhà giáo Nhân dân;
– Thầy thuốc Nhân dân;
– Nghệ sĩ Ưu tú.
4. Tên chức vụ, học vị, danh hiệu
Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể.
Ví dụ:
– Đại tướng Võ Nguyên Giáp;
– Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam;
– Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
– Giáo sư Hoàng Tụy;
– Tiến sỹ Lê Võ Phương Mai.
5. Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.
Ví dụ: ngày Quốc khánh 2/9, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11…
6. Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại
Tên các sự kiện lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó.
Ví dụ:
– Phong trào Cần vương, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám, Phong trào Phụ nữ Ba đảm đang;
– Tên các triều đại: Triều Lý, Triều Trần, Nhà Nguyễn.
7. Tên các loại văn bản
Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể.
Ví dụ:
– Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
– Bộ luật Dân sự;
– Luật Giao dịch điện tử;
– Luật An ninh mạng.
Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm
Ví dụ:
– Căn cứ Điều 10 của Bộ luật Lao động;
– Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử.
8. Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo
Ví dụ: tác phẩm Đường kách mệnh, từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản, tạp chí Nghiên cứu quốc tế…
9. Tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm
a. Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.
Ví dụ: Quý Sửu, Tân Tỵ, Bính Tuất, Mậu Thân, Kỷ Hơị….
b. Tên các ngày tiết và ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
Ví dụ: tiết Lập xuân, tiết Đại hàn, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán…
Viết hoa chữ Tết trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể (như Tết thay cho tết Nguyên đán).
c. Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số:
Ví dụ: thứ Hai; thứ Tư; tháng Năm; tháng Tám…
Nếu dùng chữ số, viết hoa danh từ chung (Tháng 8, Tháng 10…).
10. Tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo
Tên gọi các tôn giáo, giáo phái: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên gọi.
Ví dụ: đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành… hoặc chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi như: Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…
Tên gọi ngày lễ tôn giáo: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
Ví dụ: lễ Phục sinh, lễ Phật đản, lễ Vu lan…
11. Từ và cụm từ chỉ các con vật, đồ vật, sự vật được dùng làm tên riêng của nhân vật
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên riêng.
Ví dụ:
– (chú) Chuột, (bác) Gấu, (cô) Chào Mào, (chị) Sáo Nâu;
– (bác) Nồi Đồng, (cô) Chổi Rơm, (anh) Cần Cẩu;
– (ông) Mặt Trời, (chị) Mây Trắng;
– Dế Mèn phiêu lưu kí;
– Sao không về Vàng ơi?
Như vậy, vấn đề viết hoa tên riêng quả thực không hề đơn giản chút nào. Đa phần chúng ta viết theo thói quen, mà thói quen đó không phải lúc nào cũng tuân theo các quy chuẩn do các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành.
Có những hình thức viết hoa hiện chưa được coi là chuẩn (như viết nguyên dạng tên riêng theo nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh – Donald Trump, Vladimir Putin, Xi Jingping) nhưng lại chứng tỏ được tính hợp lý của nó trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, và do vậy được đông đảo mọi người sử dụng. Song cũng có hình thức viết hoa cũng được nhiều người viết nhưng lại không dựa trên các căn cứ ngôn ngữ học xác đáng (như Nhà máy Thuỷ Điện Hoà Bình, Trường Đại học Kinh Tế).
Thái độ tiếp cận đúng đắn với vấn đề viết hoa tên riêng là cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu vấn đề chuẩn hoá cách viết hoa tên riêng trên tình thần kế thừa những thành tựu đã đạt được đồng thời sẵn sàng đổi mới trong những trường hợp thực tế đời sống yêu cầu.
Viết hoa đúng cũng là góp phần làm trong sáng tiếng Việt của chúng ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bách khoa tri thức. (n.d.). Những quy cách viết hoa trong tiếng Việt. Tham khảo 08/11/2014, từ trang web Bách khoa tri thức: http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/3688-10-633637243069386250/Phu-luc/Nhung-quy-cach-viet-hoa-trong-tieng-viet.htm.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2003). Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Hà Nội: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bộ Nội vụ. (2011). Viết hoa trong văn bản hành chính (Ban hành kèm theo Thông tư Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính). Hà Nội: Bộ Nội vụ.
- Đại học Đà Nẵng. (2011). Hướng dẫn viết hoa trong các văn bản hành chính. Đà Nẵng: Đại học Đà Nẵng.
- Lý Toàn Thắng (chủ nhiệm), Nguyễn Văn Khang, Mai Xuân Huy, & Hà Quang Năng. (2003). Từ điển cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài (Đề tài cấp bộ). Hà Nội.
- Nguyễn Văn Khang. (2005). Vấn đề từ ngữ nước ngoài trong bối cảnh mới của tiếng Việt hiện nay. In trong Nguyễn Văn Khang, Tiếng Việt hiện nay và những vấn đề ngôn ngữ học liên ngành (tr. 124-151). Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
- Nguyễn Văn Khang. (2006). Về bản dự thảo Quy định cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí nhà nước. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, 6 (128), 1-6.
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (2017). Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Công báo, 287 + 288.
Cho mình hỏi:trên bia mộ chữ hán nôm ghi(mình tạm dịch)
Đại Nam
Hoàng Triều
Điện An
Lạc Thành xã
Phạm Khắc đại tôc
Tiền hiền khai khẩn
Đệ nhất thế tông
Thần mộ
Ghi chữ hoa như thế nào cho đúng
Xin cảm ơn.
Xin làm ơn chỉ dẫn phải viết hoa ở những chữ nào trong các câu dưới đây:
Có tám (8) bộ chìa khóa không còn hữu dụng vì có 5 văn phòng và Nhà bếp đã thay ổ khóa mới;
Chìa khóa #12 mở được cửa vào “building” từ phía sau Hội Trường Duy Nhất và Nhà Kho – và chìa khóa # 13 mở được cửa Tháp chuông và tất cả các phòng học dưới “basement”)
Chìa khóa #23 mở các cửa vào Nhà Thờ – và mở cửa 4 phòng điện máy, Phòng Thánh và Nhà kho)
Cho mình hỏi: ở đây không thấy lưu ý đến từ chỉ phương hướng: Ví dụ phía Bắc thì chữ Bắc có viết hoa không? Rồi nếu viết ” dịch chuyển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam” thì Tây Bắc – Đông Nam có viết hoa không? Hay là viết “nam Việt Nam” “bắc Đại Cồ Việt” thì chữ bắc có viết hoa không?
Cảm ơn bạn
Bạn thử tham khảo mục III.1.e trong bài.
Cho mình hỏi :” Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên” hay là ” Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên”
Thầy cho e hỏi cách nào đúng ah?
Mình nghĩ: “Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên” bạn ạ.
Thưa thầy, em có câu hỏi ạ.
Về đơn vị tiền tệ, khi nào viết hoa và khi nào không viết hoa? Khi nào viết có dấu gạch ngang ở giữa ví dụ: đô-la hay Đô-la hay đô la? Em đọc nhiều văn bản mà các cách viết này đều xuất hiện nên em không hiểu cái nào mới là đúng. Mong thầy giải đáp.
Thêm một ví dụ:” Cho tôi đổi một ít tiền từ đô la Mỹ sang đồng Việt”
“ Đổi giúp tôi từ đồng Đô la Mỹ sang đồng Euro”
Viết thế này đúng hay sai ạ?
Phần III ( Viết hoa tên địa lý ), khoản 1 ( Tên địa lý Việt Nam ). mục a( phường Nguyễn Trãi ) và b ( Phường Điện Biên Phủ ) là không rõ nghĩa.
Nguyễn Trãi là một tên riêng và Điện Biên Phủ cũng là một tên riêng thì tại sao ” phường ” ở mục a lại không viết hoa còn ở mục b lại viết hoa ?
Cảm ơn góp ý của bạn. Tôi đã có chỉnh sửa phù hợp.
Cho tôi hỏi câu:
“Kính thưa quý vị đại biểu!”
và
“quý vị”
Từ nào trong câu phải viết hoa ký tự đầu tiên?
Trân trọng cảm ơn!
Theo mình, bạn viết “Kính thưa quý vị đại biểu!” là đúng rồi. Có đôi chỗ, từ “quý” được viết hoa mang tính tu từ nhưng nhìn chung chỉ khi cần nhấn mạnh một đối tượng hoặc tập thể duy nhất thì mới viết hoa.
Cần phân biệt với trường hợp: Kính thưa Đoàn Chủ tịch, Kính thưa Ngài ABC…
Cho tôi hỏi câu:
Kính thưa quý vị đại biểu!
Vậy từ nào trong câu (trừ từ đầu tiên) phải viết hoa?
Xin cảm ơn nhiều.
Em muốn hỏi chữ “lễ Giáng Sinh” (Christmas) nên viết hoa thế nào là đúng ạ? Đây có được coi là tên riêng của mùa lễ hội này và viết hoa hay không?
Cái này chắc phải tìm hiểu thêm, nhưng nếu mình là bạn mình sẽ viết: “Lễ Giáng sinh”.
Trong bài Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa. Tiếng Việt 5 tập 1 phần chú giải từ Hào giao thông, Trành. Nhà xuất bản lại viết hoa?
Khi nào viết chữ in.
Một tác phẩm ảnh nghệ thuật , tiêu đề viết chữ in tất cả khi triển lãm là đúng hay sai ?
Cho mình hỏi: Cụm từ kinh tế – xã hôi, quốc phòng – an ninh mà chúng ta vẫn dùng có viết hoa không
Thông thường thì không. Nếu có, thì trong các trường hợp tu từ.
Bạn viết bị áy và khá là đầy đủ. Bạn cho tôi hỏi tên bệnh tật có viết hoa không?. Ví dụ: Bệnh Ung thư cổ tử cung hay viết bệnh ung thư cổ tử cung?
Đơn vị của tôi tên “Ban Điều hành các dự án khu vực miền Đông Nam Bộ”. Văn phòng yêu cầu viết thành “Ban Điều Hành các dự án khu vực Miền Đông Nam Bộ”. Xin hỏi cách viết nào đúng, phải viết đúng thế nào?
Cái này hơi khó nhưng tôi thấy cách tên đơn vị bạn chọn hợp lý hơn cách mà “Văn phòng” yêu cầu.
Tuy nhiên, tôi sẽ sửa một chút thành: “Ban điều hành các dự án khu vực miền Đông Nam Bộ”.
Hi anh,
Em nghĩ anh nên cân nhắc lại cách viết hoa tên quận.
Em chú ý tới hai ví dụ anh nêu là “Quận 1 và Quận Hai Bà Trưng”, theo đó em đồng ý với ví dụ thứ nhất là “Quận 1”, còn “Quận Hai Bà Trưng” thì không. Em nghĩ ví dụ thứ hai nên viết thường âm “q” mới đúng, nghĩa là “quận Hai Bà Trưng”.
Cảm ơn anh và hi vọng nhận được phản hồi từ anh!
Cảm ơn ý kiến của bạn.
Ý kiến của mình là dựa theo văn bản quy định tạm thời về cách viết hoa của Bộ GD và Bộ NV. Theo đó, logic viết hoa cả 2 thành phần trong trường hợp này là do có yếu tố tên riêng chỉ người đi sau.
Tất nhiên, các từ “xã, quận, huyện, thành phố” là các danh từ chung – và vì thế theo nguyên tắc không viết hoa. Tuy nhiên, trường hợp vừa nên có thể coi là đặc biệt.
Ví dụ:
– Không viết: thành phố Hồ Chí Minh, Mexico city, huyện Trần Văn Thời
– Nên viết: Thành phố Hồ Chí Minh, Mexico City, Huyện Trần Văn Thời
Mình rất mong bạn cho biết “logic” của bạn.
“gia chủ gia tộc Potter” thì có viết hoa “gia” trong cả 2 từ không bạn?
Cho mình hỏi vị trí có viết hoa k ạ?
Ví dụ: Quần đảo Trường Sa cách Bà Rịa khoảng năm trăm cây số về phía đông nam bờ biển.
(Đông nam có viết hoa k ạ)
Theo mình thì KHÔNG!
“Quy Thiên kiếm” thì “kiếm” có phải viết hoa không?
“khách sạn Lukailer” có phải viết hoa chữ “khách” không ad?
Cho mình hỏi, “thái tử, đại hoàng tử, vương gia, tư lệnh” có phải viết hoa không, nếu có thì viết như thế nào?
Cho mình hỏi, ‘hoàng đế’, ‘đại hoàng tử’, ‘thái tử’ có phải viết hoa không, nếu có thì viết như thế nào?
Nguyên tắc là: không viết hoa các danh từ chung. Các từ bạn nêu đều là danh từ chung.
Tuy nhiên, khi danh từ chung được riêng hóa, tức là được dùng để chỉ một đối tượng cụ thể, trong một ngữ cảnh cụ thể thì nó sẽ được viết hoa. Ví dụ:
thế viết trong tiểu thuyết thì phải viết thế nào hả bạn? Ví dụ như đoạn này chẳng hạn:
“Công vượt quá tội, chú Hoắc, chú nên kiềm chế một chút đi. Nếu chú dám báo cáo chuyện này lên thì thiếu tướng sẽ không bỏ qua cho chú, đến lúc đó đừng trách cháu không nhắc chú.”
Vậy thiếu tướng có phải viết hoa không?
Theo mình nên viết “Thiếu tướng”.
bạn ơi, “hoàng thành, hoàng cung, hoàng thất” với cả “đội trưởng đội cảnh sát” có phải viết hoa không, với cả viết thế nào vậy?
à cả “chủ nhiệm giáo dục” nữa
Chắc bạn phải nghiên cứu văn bản trong đó có nêu các nguyên tắc, và tự tìm câu trả lời rồi!
Sao danh từ chung khó quá thầy ạ ???
Chào Thầy, tôi muốn hỏi thêm, vì có người tranh cãi tôi về việc này. Từ Cha, Me, có nên viết hoa không ạ!:-((((((
Cha, mẹ là các danh từ chung nên về nguyên tắc không viết hoa. Tuy nhiên, theo tôi hai từ này (hay bất cứ danh từ chung nào khác) có thể được viết hoa trong các trường hợp gọi là “viết hoa tu từ”.
Dạ, em hiểu ạ, em chỉ nghĩ giá mà trong các tiết dạy dịch thuật, sinh viên được lưu ý không nên áp dụng máy móc cách viết hoa như trong tiếng Anh thì sẽ bớt được rất nhiều người viết hoa vô tội vạ 🙂
Em thấy trong phần viết hoa tên địa lý chưa đề cập đến các châu lục. Vậy viết “lê Châu Á” hay “lê châu Á” thì đúng ạ?
Cho em hỏi thêm một câu, không liên quan đến chủ đề viết hoa được không ạ? Theo em nhớ từ hồi học tiểu học đến giờ, khi viết các số có từ bốn chữ số trở lên đều dùng dấu chấm để ngăn cách phần nghìn, triệu, v.v. Ví dụ như 1.000, 10.000, 100.000. Trên các tờ tiền giấy của Việt Nam và quy định viết hóa đơn của Bộ Tài chính cũng nói đến việc dùng dấu ngăn cách như vậy. Thế nhưng, các bạn 9x nói rằng sách giáo khoa bây giờ không sử dụng dấu ngăn cách như vậy nữa. Thay vào đó, sách tiểu học viết luôn là 15000 hoặc 15 000. Công việc của em chuyên về dịch thuật, em thường nhắc các bạn biên dịch viên nhớ viết theo đúng ngữ pháp tiếng Việt. Vậy mà vấn đề viết con số bây giờ lại thế này làm em bối rối quá. Thầy có thể cho em biết quan điểm được không ạ?
Em cảm ơn thầy nhiều!
Hường
Viết 15.000 và không viết 15000 bạn nhé.
cho em hỏi thường thì trên nhãn mỹ phẩm người ta ghi: Thành Phần, Hướng Dẫn Sử Dụng, …, đúng hay sai vậy anh? Nếu sai như thế nào mới đúng ạ?
Mình thì ít khi thấy ghi là “Thành Phần, Hướng Dẫn Sử Dụng…”.
Theo mình có 2 cách:
1. Thành phần, Hướng dẫn sử dụng, Thông tin…
2. THÀNH PHẦN, HƯỚNG DẪN, THÔNG TIN…
Thầy ơi, em thấy bây giờ các trang mạng hay viết hoa theo kiểu mà bạn Bùi Thị Ý Nhiên nói. Em chấm bài test về dịch thuật cũng thấy nhiều bạn viết hoa như vậy, ví dụ như “Willamette Valley” thì dịch thành “Thung Lũng Willamette”, hay “in November” dịch thành “vào Tháng Mười Một”. Các bạn ấy cũng có xu hướng viết con số theo kiểu tiếng Anh, như “500,000 cây” hoặc “khoảng 11000”. Đào tạo ở đại học chắc không để ý đến những vấn đề này đúng không thầy?
Em à, ĐH không thể và không nên dành thời gian cho những kiến thức cơ sở – những kiến thức người học phải lĩnh hội ở các bậc học trước đó.
Trong xã hội có người viết đúng có người viết sai là chuyện bình thường mà bạn.
Cho e hỏi e viết Màu Xanh chữ Xanh viết hoa đúng hay sai ạ
Cho mình hỏi sau dấu hai chấm thì có viết hoa không ạ. Xin cám ơn
Ví dụ: Kháng nguyên gồm ba vùng: vùng 1, … vùng 2,… Chữ Vùng có viết hoa ko?
Hay
Mục tiêu và phương pháp: Đánh giá hiệu quá hay
Mục tiêu và phương pháp: đánh giá hiệu quá
Xin cho hỏi trường hợp nào đúng ạ.
Xin cám ơn
Về nguyên tắc, viết như sau mới đúng quy định:
– Mục tiêu và phương pháp: Đánh giá hiệu quả
Bạn thử mở văn bản sau và tìm theo dấu hai chấm sẽ thấy văn bản này khá nhất quán.
http://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/2518750/QDPQ_01_2016.pdf
Sau dấu hai chấm có thể viết hoa có thể không viết hoa tùy từng trường hợp!
Sau dấu hai chấm có lúc viết hoa, có lúc không viết hoa; văn bản quy định như vậy mà!
Sau dấu một chấm còn viết hoa, vậy hà cớ gì sau dấu hai chấm lại không viết hoa hả bạn?
Câu: Em học lớp 2H,trường Tiểu học thị trấn Nam Sách.
Viết vậy có đúng không ak?
Bạn viết là Trường Tiểu học Thị trấn Nam Sách mới đúng chính tả tiếng Việt hiện nay bạn nhé.
Cho mình hỏi: “Tổng Giám đốc” và “Tổng giám đốc” thì cách ghi nào đúng? Hiện tại mình đang dùng “Tổng Giám đốc”.Thanks,
Theo ý mình, có 2 câu trả lời:
1. Nếu chỉ có một giám đốc: Tổng giám đốc
2. Nếu bên dưới có nhiều giám đốc (bộ phận): Tổng Giám đốc
Trường hợp (1) giống như ta viết “Tổng thư ký LHQ” vì không có chức danh “Thư ký LHQ”. Trường hợp (2), chúng ta vẫn viết “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng” vì dưới chức danh này có các “Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng” khác.
Cho mình hỏi những từ chỉ hướng có viết hoa hay không? Chẳng hạn: hướng Tây Bắc hay tây bắc.
Trong các văn bản, kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm thì từ “ngày” có viết hoa hay không? ví dụ: Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, từ “ngày” hay từ “Giải” viết hoa?
Trân trọng cảm ơn!
Câu hỏi của bạn rất thú vị.
Theo tinh thần văn bản quy định:
– KHÔNG viết hoa: khi đơn thuần chỉ phương hướng hày ngày tháng
– VIẾT HOA: khi là một phần của danh từ riêng hoặc sự kiện, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.
Lấy ví dụ:
PHƯƠNG HƯỚNG
– Có một tàu điện đi về hướng nam. Gió hướng tây bắc. Vậy khói từ con tàu sẽ theo hướng nào?
– Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 đã làm thất bại ý đồ “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp.
NGÀY
– “Một ngày như mọi ngày, từng chiều lên hấp hối. Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi”
– Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tuy nhiên, trên thực tế từ “ngày” trong các cụm từ chỉ ngày kỷ niệm, ghi nhớ… hiện nay rất hay được viết hoa. Có thể lý giải:
– Do quan niệm đây là một cụm từ chỉ một đối tượng cụ thể, duy nhất – vậy từ bắt đầu cụm phải viết hoa.
– Do ảnh hưởng từ Tiếng Anh (?) vì từ “day” trong các cụm từ tương tự luôn được viết hoa trong Tiếng Anh (Independence Day, Remembrance Day…).
– Do lối viết uyển ngữ, trang trọng.
Trở lại ví dụ của bạn, quan điểm của tôi là viết thường cả hai từ trong trường hợp này, tức là “Nhân kỷ niệm 42 năm (ngày) giải phóng Quảng Nam…”. Đây là một cụm từ thông thường trong ngữ pháp Tiếng Việt. Hơn nữa, không hề có ngày lễ kỷ niệm nào tại Việt Nam có tên là “ngày Giải phóng”.
cảm ơn thầy (anh) nhiều!
Tôi đồng ý với anh về cách ghi phương hướng, có lẽ do thói quen vì tôi làm bên đo đạc nên thường ghi nhận: nhà bà A có hướng Tây tiếp giáp…….; hướng Đông tiếp giáp….
Còn về từ “ngày”: tôi nghĩ trước kia được học những từ, cụm từ chỉ một đối tượng cụ thể, duy nhất (như anh nói) thì đó là danh từ riêng và viết hoa. Mà từ “cụm từ Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam” đó là cụ thể và duy nhất nên viết hoa từ “Ngày” là phù hợp. Hơn nữa, ở đây cũng nhằm nhấn mạnh hơn về một “Ngày” hoặc một “Hoạt động” mà mình muốn nói đến.
Xin trân trọng cảm ơn!
Thưa thầy viết câu: Em học lớp 2H,Trường Tiểu học Thị trấn Nam Sách.
Viết vậy có đúng không ak
chữ Y sai
chữ Y trong Mẫu chữ hoa đứng SAI
hình như chưa chuẩn. “Ngày giải phóng” thành cụm từ và duy nhất rùi
Cho mình hỏi từ nhân dân được viết hoa khi nào ạ? Theo mình hiểu thì vd “tầng lớp nhân dân”, “thầy thuốc Nhân dân”, “Cán bộ, đảng viên, nhân dân” có đúng không ạ?
Tôi nghĩ bạn hiểu đúng đó. Khi “nhân dân” là một danh từ chung thì không viết hoa. Khi là một (phần) danh hiệu thì phải viết hoa (chỉ viết hoa chữ ‘nhân’).
Ngoài ra, khi nó là tên riêng thì phải viết hoa tất (ví dụ: Báo Nhân Dân). Trong một số trường hợp khác từ này có thể được viết hoa theo tính chất uyển ngữ.
Theo mình, danh hiệu bạn lấy làm ví dụ bên trên nên viết là “Thầy thuốc Nhân dân”.
những từ này từ nào viết đúng
E cảm ơn
Cho e hỏi trong từ này từ nào viết đúng ạ ?
Phòng Đoàn đội hay là phòng đoàn đội.
Cho e xin ý kiến.E cảm ơn ạ!
Tôi thấy chưa hẳn là Cách 1 nhưng chắc chắn không là Cách 2.
Bạn viết cách 1 Phòng Đoàn đội là đúng chính tả tiếng Việt hiện nay nhé.
Cho em hỏi: trong cụm từ: “Luyện tiếng Việt” viết như thế đúng không?Vì dây là một tiết học buổi luyện tập mà em hiểu là Việt=Việt Nam. Nhưng có người nói viết Luyện tiếng việt.Còn thứ ngày theo em nghĩ viết chữ cũng viết thường.
Cho em hỏi: trong cụm từ: “Luyện tiếng Việt” viết như thế đúng không?
Bạn đã viết đúng. Tuy nhiên, tôi thấy câu hỏi của bạn bị lạc đề. Chủ đề mọi người nêu ở đây là tên riêng và việc viết hoa tên riêng trong tiếng Việt. Mọi người nói đến ‘tên riêng’, bạn lại đi nói đến ‘cụm từ’. Lạc đề rồi bạn nhé.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành trên địa bàn Tỉnh chấp hành nghiêm túc phân công trực ……. Tôi viết hoa từ Tỉnh có đúng không. Rất mong nhận sự hỗ trợ của Ông.
Theo Em nghĩ thì không viết hoa từ tỉnh trong câu “Ủy ban nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Nhưng lại nghĩ là viết hoa từ tỉnh trong trường hơp ” Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh”. Hi
Theo mình nghĩ viết ngược lại đúng hơn vì Tỉnh này là Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cụ thể.
Bạn đã viết hoa từ Tỉnh ở trong trường hợp này là đúng nhé. “Tỉnh” ở đây nó đã được riêng hóa. Đầy đủ của nó là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề viết hoa . Xin hỏi (các) bạn những ví dụ cụ thể như thế này viết thế nào là đúng:
– Giám đốc sở hay Giám đốc Sở;
– Lãnh đạo sở hay Lãnh đạo Sở.
Xin cảm ơn.
Cách viết thứ hai của bạn là đúng chính tả tiếng Việt hiện nay nhé: Giám đốc Sở, Lãnh đạo Sở.
Trường Đại học Đại Nam
Trường Đại học Lạc Hồng
Trường Đại học Bách Khoa
–> Bạn già chính xác
Cho mình hỏi, trong subject email mình rất sợ viết sai nên viết hoa tất cả,
VD:
YÊU CẦU HỖ TRỢ CHO CHÚNG TÔI
mình có thể thay thế bằng cách viết tất cả chữ cái đầu in hoa được không?
VD:
Yêu Cầu Hỗ Trợ Cho Chúng Tôi
Đây thuộc về vấn đề “tu từ”, tức là bạn có thể viết theo cách nào gây được chú ý và ngắn gọn nhất (vì là Subject).
Cả hai cách viết của bạn đều được nhé.
Hay quá thầy ạ, giờ em mới đọc được bài viết này của thầy.
Nếu là Hồng lớp DV3-ICT thì có lẽ em đã có bài viết này trong từ điển Kadict của tôi (Phần từ điển Việt-Việt, từ khoá “quy tắc viết hoa”).
Bài viết rất có ý nghĩa! Nhưng bây giờ có bao nhiêu bạn trẻ và các em học sinh quan tâm?
Suy nghĩ tiêu cực quá, mình cũng là Học Sinh Cấp II nè…
Tất cả những ai viết tiếng Việt thì phải theo chính tả tiếng Việt và quy tắc viết hoa trong tiếng Việt chứ không riêng gì học sinh hay các bạn trẻ bạn nhé.
Cho mình hỏi đoạn này có sai sót ở đâu không ạ?
“Ngày 03/12/2015 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị tôn vinh Nghệ nhân, Chủ nhà vườn Sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội nghị diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Canh nông và kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước năm 2015.”
Thực ra, có thể người viết có cách lý giải riêng của họ (và theo họ thì hợp lý). Không dám nói là “sai sót” nhưng theo mình thì đoạn trên có một vài chỗ cần xem xét lại:
1. Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam
2. Hội nghị tôn vinh Nghệ nhân, Chủ nhà vườn Sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015
3. Hội nghị diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Canh nông
Mong (các) bạn góp ý vì mình cũng không dám chắc 100% song mình sẽ viết:
1. Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam
2. Hội nghị Tôn vinh nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015
– hoặc Hội nghị “Tôn vinh nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015”
3. Hội nghị diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Canh nông
Cho mình hỏi: Viết Danh hiệu Lao động Tiên tiến hay là viết: Danh hiệu Lao động tiên tiến?
Chắc là cách thứ 2.
Ngoài ra, bạn lưu ý từ “danh hiệu” là một danh từ chung.
Viết theo cách thứ nhất là đúng chính tả tiếng Việt hiện nay bạn nhé.
mình xin góp ý như sau:
2. Hội nghị tôn vinh “Nghệ nhân, Chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015”
Cho tôi hỏi: Tí nữa em gọi anh về ăn cơm nhé! Hay là: tí nữa Em gọi Anh về ăn cơm….! Và các từ như: các đồng chí đảng viên, các cấp uỷ, đảng uỷ viên thì viết hoa hay viết thường.
Về nguyên tắc những từ loại này là danh từ chung. Tuy nhiên, bạn lưu ý mục Viết hoa tu từ…
Các anh chị giúp em nếu em viết tên công ty là :Công ty TNHH Vật tư Thiết bị Toàn bộ Hà Tây được không ạ
Được. Bạn đã viết đúng chính tả tiếng Việt hiện nay.
Mình hay viết hoa chữ cái đầu tiên của các cặp từ 🙁 nên vô đây đọc để sửa chữa.
Chữ Tổng thư ký trong ví dụ mình nghĩ phải viết là Tổng Thư ký mới phù hợp 🙂
Mình rất quan tâm đến vấn đề viết hoa, viết thường để phục vụ cho công việc. Rất muốn xin email của bạn để liên lạc. Cảm ơn nhiều!
Bạn cứ trao đổi ở đây.
Cảm ơn bạn.
Nếu mình viết Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh đã đúng chưa?
Bạn viết chưa đúng. Viết đúng theo chính tả tiếng Việt hiện nay là: Đảng ủy Khối các Cơ quan Tỉnh
Chào anh! Bữa trước đi học thầy giáo có dạy, viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì không hoa chữ cái đầu của điểm, khoản và chỉ viết hoa đối với chữ cái đầu của điều. Qua bài viết này thì thầy giáo em đúng hay sai?
Bạn nêu các ví dụ cụ thể nhé để mọi người trong đó có tôi xem. Cảm ơn bạn.
mình cũng vậy
henrybpv@yahoo.com
Thưa bạn Minh Ngọc.
Làm việc thiện nguyện cho một giáo xứ ở Mỹ, tôi thường xuyên viết thông báo, thư chung….cho cộng đoàn. Tôi hay bối rối khi không biết chữ nào phải viết hoa.
Biết được bạn tôi mừng lắm.
Tôi có thể gửi các bản văn cho bạn xin chỉnh sửa được không ?
Bạn có thể liên lạc với tôi theo địa chỉ email của tôi: bdbinhvnn@gmail.com
Bạn có thể liên lạc với tôi theo địa chỉ email: bdbinhvnn@gmail.com
Tôi là Bùi Đăng Bình công tác ở Viện Ngôn ngữ học ở Hà Nội.