“Giáp lá cà”, “Sáp lá cà” hay “Đánh giáp lá cà” không phải là thành ngữ quá khó hiểu trong Tiếng Việt.
Từ điển Việt Nam của hội Khai trí Tiến đức giải nghĩa giáp lá cà là “nơi quân hai bên xông vào đâm chém nhau”. Còn theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân (NXB Văn hóa Thông tin, tái bản 2010), đánh giáp là cà là “đánh nhau mặt đối mặt, hai bên giáp sát vào nhau”.
Ngày nay, từ “giáp” hay “sáp/xáp” với nghĩa là “gần, bên cạnh” vẫn được dùng. Chẳng hạn, “giáp mặt nhau”, “giáp hạt”, “vùng giáp biên”, “giáp ranh” hay “sáp vô”.
Nhưng “lá cà” là gì?
“Lá cà” là một từ dân gian để chỉ bộ phận che ngực, bụng và hạ bộ của áo giáp võ quan ngày xưa. Như vậy, theo nghĩa đen thì “đánh giáp lá cà” là cận chiến, đánh mặt đối mặt, “lá cà” của các võ quan kề sát hẳn vào nhau.
Nhưng tại sao là “lá cà”?
Có lẽ đây thuần tuý là một sự so sánh dân dã vì hình dáng bộ phận này của giáp phục trông giống chiếc là cây cà. Trên thực tế, nhiều bộ phận y phục ngày xưa có dùng từ lá. Ví dụ, bộ phận đệm phía trong vai áo để mặc cho bền hơn được gọi là “lá sen” vì miếng đệm này giống chiếc lá sen. Miếng lót đệm vai để khi gánh hay kiệu cho đỡ đau được gọi là “lá xoài” vì nó được lồng vào cổ và toả ra hai vai trông như lá xoài. Còn “lá cà” thường gồm phần hồng tâm che ngực (thường làm bằng đồng) và phần lá che bụng và hạ bộ trông như lá cây cà.
Như vậy, “lá cà” là một bộ phận của giáp phục có chức năng che ngực, bụng và hạ bộ. Cách gọi này mô phỏng trực tiếp sự giống nhau của bộ phận giáp phục này với hình dánh chiếc lá cây cà. Còn “đánh giáp lá cà” là đánh nhau gần tới mức lá cà của áo giáp kề sát vào nhau.