Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 223 names in this directory beginning with the letter L.
Lá lành đùm lá rách
- Câu tục ngữ có hai vế đối lập lá lành, lá rách. Lá lành hàm chỉ người có đời sống khá, sung túc. lá rách hàm chỉ người nghèo khổ. Từ lá vàđùm cũng gợi ý về vật chất vì trong đời sống hàng ngày người ta đùm cơm, đùm bánh, đùm xôi thường dùng lá. Từ đùm cũng gợi ý đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Câu thành ngữ này khuyên ta phải cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hàng ngày cũng như lúc hoạn nạn. Câu này cũng nói lên đạo lý tốt đẹp của ông cha ta.
Lá lành đùm lá rách
Là lượt là vợ thông lại, nhễ nhại là vợ học trò
- Viên chức nhỏ làm việc bàn giấy trong công đường ở phủ huyện thời thực dân pháp). Vợ thầy thông lại thì giàu có, nhàn nhã, ăn mặc bóng bẩy; vợ học trò thì vất vả, lam lũ.
Làm bạn với sông giang, mất cả quang lẫn gánh
- Giao thông đường thuỷ rất nguy hiểm; hiểm hoạ khi đi đường sông nước.
Làm biếng lấy miệng mà đưa
- Kẻ lười nhác, không chịu làm lụng thì mồm mép rất liến thoắng, đưa đẩy để khoả lấp mọi chuyện. Tương tự như câu: “mồm miệng đỡ chân tay'.
Làm chẳng nên lại trách trời cao
- Tự mình không có tài cán để đi đến thành công nhưng không chịu thừa nhận mà đổ lỗi cho điều kiện khách quan.
Làm cỗ không lo mất phần
- Làm việc nhiệt tâm, đã bỏ công sức vào việc gì thì chớ lo không được hưởng thành quả.
Làm dâu trăm họ
- Phải phục tùng và làm vừa lòng nhiều đối tượng với những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau; chịu sự kiểm tra, xét nét của nhiều người.
Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại
- Có người giúp việc ngu dốt, đần độn thì bực mình, khó chịu.
Làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng
- Làm điều bậy bạ ở nhiều nơi, với nhiều người rồi thì cũng phải biết cư xử tử tế ở một chỗ để người ta còn chấp nhận được, thường gọi là để một cửa để lùi bước.
Làm hàng săng, chết bó chiếu
- (săng: quan tài). Làm ra sản phẩm, nhưng khi mình cần đến thì lại không có.
Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta chòng
- Chê cười hạng người hời hợt, đong đưa; sống chỉ để làm trò vui, trò cười cho thiên hạ.
Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu
- Lẽ thường, không nên vì bị chọc ghẹo mà làm lớn chuyện hại mình
Làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ
- Người xưa cho rằng mỗi người đều do kiếp trước đầu thai trở lại, ai rơi vào kiếp gì thì phải chịu chấp nhận kiếp đó; sướng khổ, cực nhục ở đời là do kiếp trước đã định đoạt, phải cam chịu vậy, không thể cưỡng lại được.
Lắm mối, tối nằm không
- Nhiều mối manh mà không đám nào thành; càng nhiều người quan tâm, mối lái thì càng khó quyết định, kết cục là không đâu vào đâu.
Làm mướn không công
- Làm thuê cho người nhưng không được trả công; làm lụng vất vả, khổ cực nhưng thành quả người khác lại được hưởng.
Làm nên một mình một cỗ
- Không ỉ lại, trông mong, dựa dẫm vào người khác; tự mình tạo dựng lấy cuộc sống sung sướng cho mình.
Lắm người yêu hơn nhiều người ghét
- Một phương châm sống, được nhiều người quý mến thì có lợi hơn bị nhiều người ghét.
Làm quan có dạng, làm dáng có hình
- Người làm quan cần có tướng mạo oai vệ, người đã xấu xí chớ có làm bộ đỏm dáng.
Làm quan muốn sang, bán hàng muốn đắt
- Tâm lý thường tình của con người: làm việc gì cũng mong việc ấy có kết quả tốt.
Làm rể chớ sáo thịt trâu, làm dâu chớ đồ xôi lại
- Nấu thịt trâu và đồ xôi lại thường bị ngót rất nhiều. Vì vậy mà dâu, rể không nên làm, dễ bị nhà chồng hoặc nhà vợ nghi là ăn vụng.
Làm rể nhà giầu, vừa được cơm no, vừa được bò cỡi
- Mỉa mai người hành động chỉ để được ăn uống, hưởng lợi
Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc
- Tầm quan trọng của con trâu đối với nghề nông và vai trò của hạt thóc trong đời sống hàng ngày.
Làm ruộng tháng năm, coi tằm tháng mười
- Tháng năm làm ruộng vất vả vì thiếu nước lại nắng hạn. Tháng mười lá dâu khan hiếm nên chăn tằm rất khổ cực.
Lắm sãi không ai đóng cửa chùa
- Nhiều người phụ trách một công việc thì thường đùn đẩy cho nhau nên cuối cùng thành ra hỏng việc.
Làm thân đất ta, làm ma đất người
- Sống ở quê nhà thì thế nào cũng được, không sợ bị bắt nạt. Chết ở quê người thì thế nào cũng xong, chẳng ai bới móc.
Làm thân lươn chẳng nề lấm mắt
- ở địa vị, thân phận thấp hèn đành nhẫn nhục, cam chịu làm những việc hèn hạ.
Làm thầy địa lý mất mả táng cha
- Làm được việc giúp người nhưng đến việc của mình thì không làm được; còn có ý chê bai những người làm nghề thầy địa lý chỉ là bịp bợm.
Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng
- Làm thợ kiếm được ít tiền, chỉ đủ nuôi mình; làm thầy (thầy cúng, thầy đồ, thầy thông, thầy phán…) dễ kiếm được nhiều tiền, vợ con được nhờ.
Lắm thầy thối ma
- Càng nhiều người chỉ đạo càng dễ hỏng việc vì mỗi người một ý kiến không biết theo ai cho phải.
Làm thì ốm, đâm cốm thì siêng
- Hay ăn, lười làm. Thấy được ăn, được lợi trước mắt thì hăng hái nhiệt tình, còn đối với những công việc không có lợi thì tìm cách thoái thác, trốn tránh.
Làm tớ người khôn hơn làm thầy kẻ dại
- ở với người khôn được nhiều lợi, với người dại mang nhiều tiếng xấu
Làm tôi ngay, ăn mày thật
- Quan niệm xưa: làm tôi tớ mà quá ngay thẳng, trong sạch , liêm khiết thì rốt cuộc phải đi ăn mày để sống.
Làm tôi nhà giàu hơn hầu quan lớn
- (tôi: người đi ở, tôi tớ cho nhà giàu trong xã hội cũ). Làm tôi tớ cho nhà giàu thì sung sướng hơn hầu quan lớn, tuy sang nhưng ít tiền; giàu thực chất hơn sang hình thức.
Làm trai lấy vợ bé, làm giàu tậu nghé hoa
- (nghé hoa: trâu con xinh xắn). Quan niệm cũ, đàn ông có vợ hai mới xứng tài trai.
Lẩn như chạch
- Lẩn đi nơi khác một cách nhanh chóng, không ai kịp nhìn thấy; cố tình trốn tránh việc gì đó.
Lần trước bị đau, lần sau thì chừa
- đã một lần bị hại hoặc trót dại thì lần khác thấy chuyện tương tự đã chết khiếp và lánh xa ngay.
Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày
- Một kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò: con nào có vết loang lổ ở đuôi thì hại chủ, con nào có lang trên trán thì cày bừa tốt, dễ nuôi.
Lang thang như thành hoàng làng khó
- (thành hoàng: vị thần của làng; khó: nghèo). đi vơ vẩn, không có mục đích nhất định.
Làng theo thể lệ làng, nước theo thể lệ nước
- Quan niệm xưa coi làng xóm như một giang sơn riêng biệt, không phụ thuộc vào những gì nằm ngoài phạm vi làng. Quy định, luật lệ của làng không dính dáng, phụ thuộc vào các tổ chức xã hội bên ngoài, và những gì ở ngoài làng cũng không được du nhập vào.
Lành làm gáo, vỡ làm muôi
- Thái độ bất cần, muốn ra sao thì ra; không làm được việc này thì dùng vào việc khác.
Lành với Bụt chẳng lành với ma
- Tốt với người tử tế, hiền lành, chứ không thể tốt với kẻ xấu. Tùy loại người mà đối đãi.
Lấp sông lấp giếng, ai lấp được miệng thiên hạ
- Không thể nào ngăn cản được miệng tiếng của người đời.
Lập thu mới cấy lúa mùa, khác nào hương khói lên chùa cầu con
- Lúa mùa mà cấy sau lập thu là muộn so với thời vụ nên sẽ bị mất mùa, thất bát.
Lật đật như sa vật ống vải
- Câu này thường bị nói sai 'lật đật như ma vật ông vải'. Nghĩa câu này hàm ý chê trách việc vội vàng, hấp tấp. Khi kéo sợi vải, ta dùng cái sa để quay, con cúi sa bằng bông sẽ dùng mũi quay để kéo thành sợi. ở mũi quay có ống vải để cuốn sợi. Mũi quay thường làm cho ống vải rung lật đật.
Lật đật như sa vật ống vải
Lấy của che thân, không ai lấy thân che của
- Con người là vốn quý, khi cần sẵn sàng hy sinh tất cả của cải, đồ dùng, miễn là bảo vệ, gìn giữ được con người an toàn, trọn vẹn; còn người là còn tất cả, vì người sẽ làm ra của chứ của không làm ra người.
Lấy của làng làm ơn cho xã
- Kẻ khôn lỏi, ích kỷ, lấy của người này cho người khác, mình ở giữa chẳng mất gì mà lại được tiếng tốt.
Lấy độc trị độc
- Dùng thuốc có chất độc để trị bệnh ác tính; dùng kẻ ác để trừ khử kẻ ác; dùng những thủ đoạn bất lương để trừng trị kẻ bất lương.
Lạy ông tôi ở bụi này
- Lời nói, việc làm dại dột tự để lộ tung tích sự việc lẽ ra phải được giữ bí mật.
Lấy thúng úp voi
- Làm một việc quá khó khăn, quá khả năng, không thể thành công; che đậy, giấu giếm một việc mà mọi người đều nhìn thấy.
Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống
- Một kinh nghiệm lấy vợ lấy chồng: chọn con nhà dòng dõi, được giáo dục tử tế, có sức khoẻ tốt, có khả năng sinh đẻ và không có bệnh tật di truyền.
Lấy vợ không cheo, tiền gieo xuống ngòi
- Theo tục lệ xưa, người đàn ông lấy vợ ở làng nào thì phải nộp một khoản tiền, gọi là tiền cheo cho làng đó. Việc nộp cheo cho làng có giá trị thay cho tờ giấy hôn thú thời nay. Vì vậy, cưới vợ mà chưa nộp cheo cho làng thì xem như chưa đủ thủ tục, chưa có sự ràng buộc chắc chắn, phí tiền vô ích.
Lấy vợ kiêng tuổi đàn bà, làm nhà kiêng tuổi đàn ông
- Một phong tục chọn tuổi trước khi cưới xin và làm nhà để tránh những điều không hay sau này.
Lễ phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng
- Ngày rằm tháng giêng là ngày lễ đầu năm rất quan trọng của đạo phật.
Lên voi, xuống chó
- Lúc vinh, lúc nhục; lúc chức trọng quyền cao, lúc hèn mọn; sự thăng trầm của thân phận con người trong cuộc sống.
Lệnh làng nào, làng ấy đánh; thánh làng nào, làng ấy thờ
- Tư tưởng ích kỷ, việc của ai người ấy lo, không quan tâm can thiệp với người khác, tổ chức khác.
Lệnh ông không bằng cồng bà
- Người vợ có vai trò quan trọng hơn, quyết định hơn (trong nội bộ gia đình).
Lệnh ông không bằng cồng bà
- Ngày nay, câu này được dùng với ý: vợ có quyền to hơn chồng trong một gia đình nào đó
Lệnh ông không bằng cồng bà
Lệnh Và cồng là hai dụng cụ bằng đồng dùng để báo hiệu. Có người nói câu này xuất hiện từ thời bà triệu khởi nghĩa. Ông triệu quốc đạt là anh nhưng không được mọi người tin yêu bằng bà triệu thị trinh. Mỗi khi nghe tiếng cồng của bà triệu thì binh sĩ ở mọi nơi đều tập hợp ở dưới cờ.
Leo cây đã đến buồng
- Công sức lao động bỏ ra, quá trình làm việc vất vả đã đến ngày thu được kết quả.
Liệu oản đọc kinh
- Tuỳ thái độ tiếp đón, đối xử hoặc mức độ hưởng thụ mà làm việc cho xứng đáng; làm việc có điều kiện.
Lo bò trắng răng
- Lo lắng những việc không cần thiết, không đáng phải lo, không phải phận sự của mình.
Lỡ bước sa cơ
- Chẳng may lâm vào tình thế rủi ro; không may bị thất thế, lầm lạc mà phải chịu cảnh khốn khó.
Lo trẻ mùa hè không bằng lo bò què tháng sáu
- Tháng sáu nhà nông rất cần sức kéo vì đang vào vụ cày cấy.
Loè trôn kim, ai loè yếm thắm
- Việc làm mờ ám, xấu xa dù cố tình giấu giếm rồi cuối cùng vẫn bị phát hiện, khó che được mắt người.
Lội bùn lấm chân, vọc sơn phù mặt
- Một quy luật tất yếu: làm việc gì thì sẽ phải chịu hậu quả, chịu ảnh hưởng (tác động) của việc ấy.
Lõi dâu hơn dác gụ
- (dác: phần gỗ non của cây ở phía ngoài lõi, sát dưới vỏ). Một kinh nghiệm dùng gỗ, dù là gỗ gì thì phần lõi vẫn quý hơn phần dác.
Lời nói đau hơn roi vọt
- Những người có lòng tự trọng cao coi một lời xúc phạm đến mình còn đau đớn, nặng nề hơn bị đánh đòn.
Lời nói gió bay
- Lời nói miệng không có gì làm căn cứ, không thể tin được giống như cơn gió bay qua chẳng để lại dấu vết gì, nhanh chóng bị lãng quên.
Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau
- Nói năng phải suy nghĩ trước sau để được việc mới hay
Lớn đầu to cái dại
- Nhiều tuổi mà còn dại dột, sai lầm to lớn; người có địa vị cao mà sai lầm, dại dột thì sẽ gây hậu quả nặng nề.
Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa
- Một kinh nghiệm nuôi tằm: không nên để tằm đói dù là một bữa.
Lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chõm
- Kinh nghiệm chọn lợn: con đực béo nở nang phệ nệ mới là lợn đực tốt. Con lợn nái tốt lại phải là con mình dài thon, khi lợn chửa vú không bị quệt đất, đầu vú to, nhiều sữa.
Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi
- Mua việc vào mình. Việc đang yên ổn lại tự làm rối rắm, phiền phức ra.
Lọng máu cáo, áo hoa thiên
- đồ dùng của người ở địa vị cao sang, được trọng vọng kính nể; người có cuộc sống vinh hiển xa hoa.
Lòng súng, súng nổ; lòng gỗ, gỗ kêu
- Mỗi người, mỗi vật có những đặc điểm biểu hiện và tác dụng khác nhau, người ngoài nếu không tinh tường sẽ không hiểu được; cách phản ứng, sự uẩn khúc trong lòng người hoàn toàn khác nhau, có những cách biểu hiện khác nhau.
Lòng vả cũng như lòng sung
- Lòng dạ, suy nghĩ, tâm trạng của con người ai cũng như ai, không có gì khác nhau; cùng chung một thân phận, cảnh ngộ.
Lọng vàng che nải chuối xanh, tiếc con chim loan phượng đậu nhành tre khô
- Của tốt bị uổng phí vì đem dùng vào nơi không xứng đáng; người con gái đẹp lấy phải chồng không ra gì.
Lọt sàng xuống nia
- Người này thiệt thì người kia hơn, người này không được hưởng thì người kia hưởng, không đi đâu mà mất (thường nói về quyền lợi giữa những người có quan hệ thân thuộc).
Lửa cháy lại tưới thêm dầu
- Kích động làm tăng thêm sự tức giận của người đang lúc nóng nảy; thúc đẩy thêm, tạo điều kiện thêm khiến sự việc trở nên rắc rối, nghiêm trọng hơn.
Lúa chiêm nép ở đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
- Sấm và những trận mưa đầu mùa hè đem lại cho lúa chiêm nhiều đạm và nước. Vì vậy lúa sẽ tốt lên nhanh chóng, trổ bông đều.
Lúa chín hoa ngâu, đi đâu chẳng gặt
- Lúa chiêm chín (màu vàng như hoa ngâu) phải gặt ngay để tránh mưa bão.
Lựa được con dâu, sâu con mắt
- Kiếm được người con dâu theo ý mình là vô cùng khó khăn, vất vả vì con người vốn chẳng ai toàn diện, được mặt này lại mất mặt kia; hơn nữa con dâu là thứ không thể dùng tạm bợ, nếu sai sót hoặc nhầm lẫn thì gia đình sẽ bất hoà, tan nát.
Lúa gié là mẹ lúa chiêm
- Gạo chiêm thường cứng, không ngon nên không được quý trọng; lúa gié lại có chất lượng cao hơn hẳn, thuộc hàng quý hiếm. đồng thời cũng nhắc nhở, việc chăm sóc, trồng cấy lúa gié vất vả hơn rất nhiều so với lúa chiêm.
Lừa thầy phản bạn
- Kẻ vô lương tâm, kẻ phản phúc, không có đạo đức, lừa lọc phản bội cả người đã có công dạy dỗ lẫn người thân thiết.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
- Gặp khó khăn, nguy khốn mới thi thố tỏ rõ tài đức, chí khí, lòng trung thực; qua thử thách mới rõ tốt xấu.
Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng
- Muốn xem lụa tốt hay xấu, xem ở mép tấm lụa (biên lụa), nếu lụa săn và đều thì là lụa tốt; muốn biết người hiền hay ác chỉ nhìn mặt là rõ.
Lúa trỗ ngả mạ, vàng rạ mạ xuống
- Một kinh nghiệm gieo trồng: khi lúa bắt đầu trỗ, cày vỡ dược mạ lần đầu để chuẩn bị cho lúc lúa vàng rạ thì bắt đầu gieo mạ xuống.
Lúc giận bẻ tròn thành méo, khi ưa vẽ méo nên tròn
- Khi ưa nhau, hợp nhau thì mọi cái đều chấp nhận được hết, thậm chí đến cái dở cũng hoá hay; và ngược lại khi ghét nhau thì tất cả đều là xấu xa.
Lưỡi không xương , nhiều đường lắt léo
- Lời nói dễ tráo trở, hiền ra dữ, làm hư việc, xấu tốt đều do miệng lưỡi, nói năng
Lưỡi mềm lưỡi còn, răng cứng răng rụng
- Mềm mỏng, nhịn nhục tránh được tai họa, cứng cỏi, háo thắng, thân khó an toàn
Luồn cửa tiền cửa hậu, chẳng thèm luồn bờ giậu chó chui
- đã quỵ luỵ thì cầu cạnh nơi quyền thế chứ chẳng ai hạ mình nơi tầm thường, thấp hèn.
Lươn ngắn lại chê chạch dài
- Kẻ không biết cái dở của chính mình mà lại chê bai người khác. Thường nói đủ cả hai câu: “lươn ngắn lại chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm'.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)