Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 109 names in this directory beginning with the letter R.
Rạ đồng chiêm, ai có liềm thì cắt; rạ đồng mùa có mắt thì trông
- Lúa chiêm ruộng ngập nước, khi gặt chỉ cắt lưng chừng cây ở phần bông, còn phần gốc rạ thì bỏ lại, ai muốn cắt thì cắt; lúa mùa ruộng cạn khô, khi gặt người ta cắt sát gốc rồi xén riêng phần rạ ngả ra ruộng phơi cho khô sau đó mang về làm đồ đun bếp. Vì vậy trong thời gian phơi rạ tại ruộng, chủ ruộng phải luôn trông coi để không bị lấy trộm.
Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ
- Việc ngoài đường thì nên hỏi người lớn, người quen, việc trong nhà thì nên hỏi trẻ vì chúng hay nói thật, không biết dối quanh.
Ra đường hỏi ông già, về nhà hỏi con nít
- Người già thì từng trải, biết nhiều điều; trẻ con thường nói thật, không biết quanh co, giấu giếm.
Ra môn ra khoai
- Thành ngữ này có nghĩa là rành mạch, rõ ràng. Sở dĩ có thành ngữ này là vì cây khoai môn và cây khoai sọ rất dễ bị nhầm lẫn. Khoai môn la fthuws khoai có thân và lá dùng làm thức ăn cho lợn, củ ăn bị ngứa lưỡi, thân hình rất giống khoai sọ.
- Thành ngữ này thường bị nói lầm 'ra ngô ra khoai'. Cây ngô và cây khoai không thể lầm được.
Ra môn ra khoai
Ra ngẩn vào ngơ
- Tâm trạng bần thần, ngơ ngác vì thương nhớ ai đó hoặc quá lo lắng, bối rối về việc gì.
Ra ngõ gặp gái mọi cái mọi xui, ra ngõ gặp trai vừa may vừa mắn
- Quan niệm xưa cho rằng ra ngõ gặp gái là xúi quẩy, ra ngõ gặp trai là may mắn.
Rách như tổ đỉa
- Có người tưởng tổ đỉa là tổ con đỉa. Cũng chưa ai biết con đỉa có tổ hay không. Tổ đỉa ở thành ngữ này là cây tổ đỉa, một loại cây thường mọc ở ven bờ ao. Cây tổ đỉa có lá như lá cây đinh lăng, trông lởm chởm và rách như xé ra từng mảnh nhỏ. Vì vậy, ai mặc rách rưới quá, người ta thường nói 'rách như tổ đỉa.'
Rách như tổ đỉa
Rậm người hơn rậm của
- Con người quý hơn của cải. Còn có ý nói nhà nghèo đói vì đông con còn hơn nhà giàu có nhưng không có con.
Rậm râu sâu mắt, đắt tiền cũng mua
- Tướng đàn ông dữ tợn, mạnh mẽ, ngang tàng, làm được việc nặng nhọc, lớn lao.
Rắn đến nhà, không đánh thành quái
- Thú dữ, kẻ ác đến nhà phải diệt trừ ngay để nó không gây hại cho mình.
Rắn già rắn lột, người già tụt vào săng
- Rắn già thì lột xác để tiếp tục phát triển, người già thì ngày càng tàn lụi rồi chết.
Rắn mai tại lỗ, rắn hổ tại nhà
- (rắn mai: là rắn mai gầm hay còn gọi là rắn cạp nong; rắn hổ: rắn hổ mang). Kinh nghiệm trong dân gian: rắn cạp nong không đi xa, chỉ quanh quẩn tại hang; còn rắn hổ mang hay bò vào nhà bắt gà.
Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra
- Không thể chung sống với nhau được. Kẻ dữ đến thì kẻ yếu đuối phải dời đi nơi khác.
Rán sành ra mỡ
- Việc làm ngược đời, không thể thực hiện được; kẻ vô cùng bần tiện, nghiệt ngã, keo kiệt.
Rào trước đón sau
- Nói năng kín kẽ, đưa ra mọi lý lẽ một cách khéo léo để ngăn ngừa sự thắc mắc hay phản ứng lại điều mình sắp nói.
Rập rình như cú nhòm nhà bệnh
- Kẻ xấu, kẻ chuyên gieo rắc điều tệ hại luôn nhòm ngó để trút vào nhà khác những chuyện bất hạnh.
Rát như phải bỏng
- Cảm giác đau đớn, khó chịu như khi bị thương trên thân thể do bỏng lửa, nước sôi hay hoá chất.
Rau chọn lá, cá chọn vảy
- Kinh nghiệm chọn rau nhìn lá tươi non, chưa vàng úa là rau ngon; chọn cá thấy vảy còn ướt bóng, chưa bị khô bong là cá còn tươi.
Rau muống sâu đen, rau giền sâu trắng
- Một kinh nghiệm của nhà nông về từng loại sâu hại rau khác nhau.
Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn
- Tháng chín có sương và hanh khô, rau muốn già chát ăn không ra gì. Tưởng có lòng tốt hoá ra chơi xấu nhau. Còn có ý nói giữa mẹ chồng và con dâu chẳng bao giờ tử tế cả.
Rau nào sâu nấy
- Mỗi loại rau thích hợp với một loài sâu; bố mẹ không tốt thì con cái cũng xấu xa, hư hỏng.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
- Lấy bộ phận của cái này lắp ghép vào cái khác một cách khập khiễng, không phù hợp.
Rày gió mai mưa
- Cuộc sống có nhiều biến cố xảy ra, khó lường trước. Cũng còn nói: “rày nắng mai mưa'.
Rẻ như bèo nhiều heo cũng hết
- Của không ngon, không tốt nhưng đông người tiêu thụ thì vẫn không bị ế.
Rẻ thì mua chơi, đắt thì nghỉ ngơi đồng tiền
- Không mặn mà, không mua với giá cao hơn mức bình thường vì chưa cần lắm.
Rẻ tiền mặt, đắt tiền chịu
- Khi bán hàng thu tiền ngay thì lấy giá thấp hơn so với giá cho mua chịu, trả sau.
Rét nàng Bân
Rét nàng Bân là cách gọi mang tính chất dân gian về đợt rét đậm cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam, hay nói chung là cơn rét muộn. Thường khi khí trời đã chuyển sang nóng ẩm thì đột nhiên có đợt gió mùa đông bắc khá mạnh về kéo theo nhiệt độ giảm mạnh.
Về sự tích, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với các chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân, cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng dự định may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng vì nàng chậm chạp, vụng về, nên công việc may áo diễn ra chậm chạp. Khi trời đã sắp sang mùa xuân mà nàng chỉ mới may được 2 cổ tay áo.
Nhưng nàng Bân không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con buồn bã, Ngọc Hoàng mới gạn hỏi. Biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.
Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. Tục ngữ có câu: “Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân” là vì thế.
Về sự tích, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với các chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân, cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng dự định may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng vì nàng chậm chạp, vụng về, nên công việc may áo diễn ra chậm chạp. Khi trời đã sắp sang mùa xuân mà nàng chỉ mới may được 2 cổ tay áo.
Nhưng nàng Bân không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con buồn bã, Ngọc Hoàng mới gạn hỏi. Biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.
Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. Tục ngữ có câu: “Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân” là vì thế.
Rối như bòng bong
- Nếu quan sát một người ngồi vót nan để đan rổ rá, ta thấy những xơ tre nứa mỏng cuộn xoắn vào nhau thành một mớ, khó gỡ ra được. đó là mớ bong bong.
- Thành ngữ ta còn có câu: rối như tơ vò, rối như canh hẹ, rối như gà mắc tóc, rối tinh rối mù. Thành ngữ 'rối như bong bong' dùng để chỉ tâm trạng hoặc sự việc khó gỡ ra được vì không tim thấy đầu mối.
Rối như bòng bong
Rối như canh hẹ
- Tình trạng rối ren, lộn xộn không có cách giải quyết; tâm trạng bối rối, lẫn lộn không giữ được bình tĩnh.
Rối như ruột tằm
- Tâm trạng lo lắng, bối rối không yên vì gặp việc khó giải quyết hay bị xúc động mạnh.
Roi song đánh đoạn thời thôi, một lời xiết cạnh muôn đời chửa quên
- Sức mạnh của lời nói. Một lời chì chiết cay độc làm người ta nhớ mãi, đau đớn hơn cả bị roi vọt.
Rởn tóc gáy
- Bị tác động mạnh và quá đột ngột khiến người ta sợ hãi cảm tưởng như tóc gáy dựng ngược lên.
Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa
- Một cách giải thích hiện tượng thiên nhiên trong dân gian.
Rộng làm kép, hẹp làm đơn
- Tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện kinh tế mà làm. Giàu có thì làm đầy đủ, sang trọng; khó khăn thì làm mỏng manh, sơ sài.
Rồng rồng theo nạ, quạ theo gà con
- (rồng rồng: đàn cá con). Cá con theo mẹ để được chăm nom, quạ theo gà con để giết hại; thói thường người ta bám theo kẻ mang lại điều lợi cho mình.
Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình
- Người tài giỏi ở trong hoàn cảnh bó buộc, tù túng; người phụ nữ lấy phải người chồng không xứng với mình. Câu nói tỏ vẻ bất đắc chí với cuộc sống hiện tại.
Rủ nhau làm phúc, chớ rủ nhau đi kiện
- Nên kiếm người làm tốt, hơn là rủ nhau đi kiện cáo, gây thù oán.
Rừng có mạch, vách có tai
- Dễ bị lộ, bị lan truyền những điều bí mật khi trao đổi, trò chuyện với nhau.
Rước voi về giày mả tổ
- đưa người ngoài về làm hại anh em, họ hàng thân thiết; đưa kẻ ngoại xâm đến làm hại đất nước, dân tộc.
Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay
- Có của mà không làm thì rồi cũng hết, có một nghề giỏi trong tay thì suốt đời không lo bị đói.
Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay
- Ruộng đất rộng, tiền của nhiều chưa hẳn là sung sướng, vì còn sợ lo mất trộm, có ngày phải đói, nhưng có sẵn một nghề trong tay thì không sợ đói.
Ruộng cao trồng màu, ruộng sâu cấy chiêm
- Lúa chiêm thích hợp với ruộng nước, trồng màu phải ở nơi cao ráo mới tốt.
Rường cột quốc gia
- Những thứ quan trọng, lớn lao, trụ cột của đất nước (đường lối chính sách, pháp luật…).
Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng
- Mua ruộng, lấy chồng ở những chỗ chắc chắn vì biết rõ thực chất thứ cần mua, cần tìm.
Ruộng sâu trâu nái
- Ruộng đất màu mỡ, của cải nhiều: tiêu chuẩn đánh giá một nhà giàu có ở nông thôn thời xưa.
Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng
- Con gái đầu lòng đảm đang, đỡ đần, gánh vác được nhiều công việc giúp đỡ bố mẹ, quý như có ruộng sâu, trâu nái vậy.
Ruột bỏ ra, da bọc lấy
- đã là anh em cùng họ hàng, huyết thống thì cho dù có tệ bạc với mình vẫn phải cưu mang, đùm bọc.
Rượu cheo, cháo thí, nghe hát nhờ
- (rượu cheo: rượu của người con gái nộp cheo cho làng khi đi lấy chồng; cháo thí: cháo cho làm phúc). Keo kiệt, bủn xỉn, chỉ dùng những thứ không phải bỏ tiền ra mua; người nghèo khổ, bần cùng.
Rượu chua bán cho người nhỡ
- Gặp gỡ, chọn đúng đối tượng; của xấu kém lại có người nhỡ nhàng cần đến; mỗi người, mỗi hoàn cảnh đều có sự tương xứng, thích hợp với nhau.
Rượu ngon bởi vị men nồng, người khôn bởi vị giống dòng mới khôn
- Yếu tố di truyền quyết định tư chất con người.
Rượu ngon chẳng nệ be sành
- Phẩm chất bên trong quyết định giá trị của sự vật, hình thức bên ngoài không quan trọng.
Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
- Nói năng ở chừng mực vừa phải khiến người ta dễ tiếp thu, quá đi một chút là dở.
Rượu vào lời ra
- Rượu uống vào thì ngà ngà say rồi sinh hứng nói chuyện lung tung nhiều khi đến cãi nhau.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)