Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 153 names in this directory beginning with the letter S.
Sa cơ thất thế
- Không may rơi vào tính thế rủi ro, bị mất hết quyền hành thế lực, không có lối thoát hoặc cách tháo gỡ. Còn nói: “sa cơ lỡ vận'.
Sắc như dao
- Rất sắc, dễ làm bị thương; sắc sảo, tinh nhanh (thường nói về đôi mắt của người con gái tinh ranh, ghê gớm).
Sạch nước cản
- Người đánh cờ mới biết tạm những điều cơ bản; ai đó tạm chấp nhận được, hiểu được những điều cơ bản nhất trong cuộc sống.
Sai con toán, bán con trâu
- Tính toán công việc sai lầm một chút sẽ gây thiệt hại lớn. Người làm nghề viết, ghi chép, thu chi mà sai sót dù là rất nhỏ cũng gây ra tai hoạ lớn.
Sấm trước cơm sấm no, sấm sau cơm sấm đói
- Sấm trước cơm là sấm giông vào buổi sáng, dễ gây mưa đủ nước cày cấy; sấm sau cơm là sấm giông về chiều, ít gây mưa hoặc mưa ít, thiếu nước cày bừa, lúa không tốt.
Săn sóc chẳng bằng góc ruộng
- Chăm nom cho con cái chẳng bằng để cho con cái ruộng nương. Quan niệm coi trọng của cải vật chất.
Sẵn vó thì tốn cá ao
- Nhiều thứ này thì tốn thứ khác. Không biết kiềm chế, gìn giữ, bừa ẩu, miễn là thoả mãn trước mắt.
Sang mỗi người mỗi thích, lịch mỗi người mỗi mùi
- Mỗi người có cách suy nghĩ, có sở thích và phong cách riêng, không ai giống ai, không nên gò ép người khác theo mình.
Sáng ngày chẳng dắt trâu đi, tháng ba ngày tám lấy gì mà ăn
- Hàng ngày lười biếng, chẳng lo chăm chỉ cày cấy vun trồng thì giáp hạt tháng ba ngày tám đói khát là không tránh khỏi.
Sáng sao không bằng tối đèn
- Ban đêm có ánh đèn dù là tù mù vẫn được việc hơn là ngàn sao sáng lấp lánh ở trên trời; cái thực tế tuy là nhỏ nhoi nhưng hữu ích hơn nhiều so với cái hão huyền bóng bẩy, hấp dẫn bề ngoài.
Sáng sửa cưa, trưa mài đục, tối giục nhau về
- Cung cách làm ăn dềnh dàng, tắc trách của người đi làm thuê.
Sáng tai họ, điếc tai cày
- Rất tinh tường khi nghe có hiệu lệnh nghỉ và giả vờ ngây điếc khi yêu cầu vào làm việc; cố ý lười biếng không muốn làm việc, uể oải lừng khừng trong lao động.
Sáng tai họ, điếc tai cày
- Thành ngữ này có nghĩa lười biếng, không chăm chỉ làm việc. Khi cày ruộng, người đi cày hô 'họ'thì trâu đứng lại ngay, vì nó được nghỉ. Nếu hô 'vắt' thì phải kéo cày.
- Nguyễn khuyến, trong bài 'anh giả điếc' có câu
- Trong thiên hạ có anh giả điếc
- Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây
- Chẳng ai ngờ: sáng tai họ điếc tai cày
- Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Sáng tai họ, điếc tai cày
Sáng tai ọ, điếc tai cày
- Người làm biếng, bảo nghỉ thì nghe rất rõ nghỉ liền, nhưng bảo làm thì giả bộ không nghe cứ lờ đi mà chơi mãi.
Sáng việc người, tối việc mình
- Chỉ loại người hão huyền, hóng hớt; bản thân thì kém cỏi, u tối nhưng luôn tò mò, quan tâm lo vớ lo vẩn chuyện người khác.
Sáo mượn lông công
- Lừa bịp, giả dối, mượn cái đẹp của người khác để che giấu thực chất xấu xa của mình.
Sào sâu khó nhổ
- Liên quan tới một việc gì quá sâu thì khó thoát ra được, chủ yếu là nói đến sự dấn sâu vào những vấn đề không hay.
Sào sâu khó nhổ
- Những gì chắc chắn khó phá được; người có ý chí sắt đá thì dù bên ngoài tác động thế nào cũng khó lay chuyển được.
Sắp chết mới ôm chân phật
- Không có sự chuẩn bị từ trước, lúc cần kíp mới cuống lên; nước đến chân mới nhảy.
Sầu đong càng lắc càng đầy
- điều sầu muộn cố nén xuống lại càng buồn hơn; nỗi buồn sâu nặng chứa chất trong lòng.
Sâu muống thì đen, sâu giền thì trắng
- Kinh nghiệm trồng trọt, cách phân biệt từng loại sâu ở rau giền và rau muống.
Sẩy cha có chú, sẩy mẹ bú dì
- Người em trai của bố, người em gái của mẹ là những người gần gũi nhất khi cha mẹ không còn.
Sẩy đàn tai nghé
- Thành ngữ này dùng để chỉ sự chia lìa, tan nát của một gia đình hoặc một tập thể nào đó khi mất người đứng đầu.
- Thành ngữ này bắt nguồn từ đời sống của bầy trâu rừng. Bầy trâu bao giwof cũng có những con trâu đực đầu đàn để chống chọi với thú dữ, bảo vệ cả đàn (thường có trâu cái và bầy nghé con). Nếu mất trâu đầu đàn thì cả đàn sẽ tan tác vì bị thú dữ ăn thịt dần.
- Sẩy là từ cổ, có nghĩa là mất, chết. Tục ngữ có câu: 'sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì'.
Sẩy đàn tai nghé
Sẩy đàn tan nghé
- Trâu con mà bị lạc đàn tức thì bị thú dữ ăn thịt. còn trẻ mà bỏ cha mẹ ở nhà đi hoang thế nào cũng hư.
Say như điếu đổ
- Trạng thái mê mẩn, không còn nhận biết rõ vì quá thích thú, say sưa; người hút thuốc lào say quá ngã ra làm đổ cả điếu.
Sẩy vai xuống cánh tay
- Lợi lộc tuột khỏi tay người trên thì người dưới lại được hưởng, không mất đi đâu mà thiệt; người trên thoát được nạn thì người dưới phải hứng chịu tai họa.
Sểnh nhà ra thất nghiệp
- Không đâu bằng ở nhà mình; ra khỏi cửa là bơ vơ, khổ cực, nguy hiểm rình rập.
Sinh con ai dễ sinh lòng
- Mẹ sinh hình hài con cái còn lòng nó thì tự nó có hoặc do ảnh hưởng bên ngoài hoặc do trời ban cho.
Sinh con ai dễ sinh lòng
- Người ta sinh ra con, còn tâm tính nó là tự nhiên mà có, không ai muốn cho con mình hư hỏng. Cách lý giải có ý ỉ lại, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Sinh cư tử táng
- Sống chết là lẽ tự nhiên; khi sống thì ăn ở làm lụng, còn khi chết thì đem chôn là xong; không lo nghĩ sợ hãi gì cả.
Sinh dữ, tử lành
- Theo quan niệm mê tín, nằm mơ thấy người chết sẽ gặp nhiều chuyện lành; nằm mơ thấy việc chửa đẻ là điều xấu, điềm dữ.
Sinh kí, tử qui
- Sống ở, chết về. quan niệm xem đời là cõi tạm, chỗ ở đời đời là niết bàn hay thiên đàng, bởi vậy sống không mừng, chết không sợ.
Sinh ư nghệ, tử ư nghệ
- Sống bằng nghề nào thì cũng dễ bị chết vì nghề đó; còn có ý nói: sống được nhờ nghề và khổ sở khốn đốn cũng vì nghề ấy. Chấp nhận làm một nghề thì sướng khổ cũng sẵn lòng.
Sinh vô gia cư, tử vô địa táng
- Sống không có nhà ở, chết không có đất chôn. Lang thang phiêu bạt, không nhà cửa, không ai thân thích, không nơi nương tựa.
Số ăn mày cầm tinh bị gậy
- Người xưa cho rằng số đã nghèo thì đi đâu, làm gì rồi cũng phải nghèo hèn đói rách.
Sợ bát cơm đầy, không sợ thầy lớn tiếng
- Người ở đợ hoặc làm công vì miếng cơm mà nhẫn nhục luồn cúi chủ nhà chứ không phải sợ oai chủ.
Số giàu đem đến dửng dưng
- Người có số giàu có thì tự nhiên giàu có, không phải vất vả khó khăn gì (theo mê tín).
Số giàu trồng lau hoá mía, số nghèo trồng củ tía ra bồ nâu
- X. Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà nghèo trồng củ tía ra củ nâu.
Sở Khanh
Kẻ phản trắc, lừa gạt (phụ nữ), bạc tình.
Sở Khanh, một nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du, kẻ đã lừa phỉnh Thúy Kiều.
Hình ảnh Sở Khanh được gắn cho những kẻ dáng vẻ hào hoa, nói năng lịch thiệp nhưng chuyên đi lừa phỉnh, dụ dỗ lợi dụng, phản bội các cô gái.
Sở Khanh, một nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du, kẻ đã lừa phỉnh Thúy Kiều.
Hình ảnh Sở Khanh được gắn cho những kẻ dáng vẻ hào hoa, nói năng lịch thiệp nhưng chuyên đi lừa phỉnh, dụ dỗ lợi dụng, phản bội các cô gái.
Sợ mẹ, sợ cha chẳng bằng sợ tháng ba ngày dài
- Nỗi lo âu, sợ hãi của nông dân xưa về cái đói của tháng giáp hạt.
Sợ người nói phải, hãi người cho ăn
- Người nói phải sử xự đàng hoàng mình sợ đã đành, người mà mình làm công để sống cũng phải sợ, vì không vậy mình sẽ mất bát cơm.
Sợ người ở phải, hãi người cho ăn
- Người ăn ở, cư xử đúng đắn được nể trọng; ăn của người là mang nợ, mang ơn, phải lo mà trả.
Sờ như xẩm sờ gậy
- (xẩm: người mù chuyên đi hát rong). Tìm kiếm một cách mò mẫm, không có phương hướng, căn cứ.
Số phận lao đao, phải sao chịu vậy
- Người xưa quan niệm: số phận lận đận, chìm nổi, gặp hết khó khăn trở ngại này sang trắc trở kia là do trời định, không thể thay đổi được, đành phải chấp nhận.
Sớm thăm tối viếng
- Chăm sóc ân cần, chu đáo, thường là nói sự chăm sóc của con cái đối với cha mẹ già.
Sơn cùng thủy tận
- đây là thành ngữ gốc hán (cùng là cuối, tận là hết), nơi cuối dãy núi, hết nguồn nước, dùng để chỉ những nơi hẻo lánh, hoang vu.
- Một thành ngữ khác thâm sơn cùng cốc cũng để diễn đạt ý này. (thâm sơn là núi sâu, cùng cốc là cuối hang núi)
Sơn cùng thủy tận
Sơn hào hải vị
- Thành ngữ này dùng để chỉ các món ăn sang trọng. Câu này gần nghĩa với câu 'cao lương mĩ vị' (cao là thịt béo, lương là gạo trắng, mĩ vịlà ngon miệng)
Sơn hào hải vị
Sơn hào là món ăn quý lấy từ động vật rừng như bàn chân gấu, lộc nhung. hải vị là món ăn quý lấy từ biển như bào ngư, hải sâm…
Sơn lam chướng khí
- (lam chướng: khí độc ở vùng núi gây ra bệnh tật). Nơi rừng thiêng khí độc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người bất cứ lúc nào.
Sông cạn đá mòn
- Thiên nhiên, tạo vật đổi thay rất nhiều (nhưng lòng người vẫn không thay đổi), thường là lời ước hẹn, thề thốt của nam nữ yêu nhau.
Sống cậy nhà, già cậy mồ
- Nhà ở lúc sống, mồ mả lúc chết là những chuyện rất quan trọng đối với con người.
Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi
- Xem mạch bắt thuốc xong thì lấy tiền, còn bệnh có lành hoặc có chết, làm nên hay hư không cần biết đến nữa.
Sông có khúc, người có lúc
- Muôn vật có lúc thịnh lúc suy, đời người có lúc thế này lúc thế khác, không nên bi quan.
Sông có khúc, người có lúc
- Sông có khúc cạn khúc sâu, khúc quanh khúc thẳng, con người có lúc làm nên, có lúc suy sụp, bởi vậy không nên nản chí
Sống dầu đèn, chết kèn trống
- Một phong tục đưa tang, phải có kèn trống mới đủ nghi lễ cũng như người sống không thể thiếu dầu đèn thắp sáng.
Sống dở chết dở
- ở vào tình thế khó khăn, gay cấn mà không có cách nào giải quyết cũng không thoát ra được.
Sống để bụng, chết mang theo
- Giữ việc bí mật cho đến chết chớ chẳng nói ra hoặc ôm mối thù trong lòng để chờ ngày trả thù cho bằng được
Sống để dạ, chết mang đi
- Tuyệt đối bí mật, suốt đời không thổ lộ với ai; ghi nhớ, ôm mối hận thù sâu sắc cho đến lúc chết.
Sống khôn chết thiêng
- Khi còn sống đã có trí khôn hiểu biết mọi việc bây giờ chết rồi cũng nên linh thiêng mà chứng giám phù hộ.
Sống khôn, chết thiêng
- Câu nói của người theo đạo phật cầu mong người đã chết cứu giúp, phù hộ cho người sống được yên ổn.
Sống lâu lên lão làng
- Chỉ nhờ làm việc lâu năm mà được cất nhắc lên địa vị cao chứ không có năng lực tài cán gì.
Sống lâu lên lão làng
- Không có tài cán gì, chỉ vì nhiều tuổi hay làm việc lâu năm mà được cất nhắc lên địa vị cao.
Sống mỗi người mỗi nhà, già mỗi người mỗi mồ
- Chung đụng trong ăn ở khó tránh được va chạm, xích mích; độc lập, riêng biệt là hơn cả.
Sống quê cha, ma quê chồng
- Theo tục xưa, người đàn bà lúc đói khổ thì nương nhờ cha mẹ, nhưng khi chết thì dù ở nơi đâu cũng phải đưa về chôn cất nơi quê chồng.
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua
- Một kinh nghiệm giao thông sông nước. Không nên lội qua sông sâu (dễ bị chết đuối), không nên đi đò đầy (dễ đắm đò).
Sống tết, chết giỗ
- Cha mẹ còn sống thì mình phải nuôi dưỡng kính trọng, mỗi ngày tết trong năm đều phải có lễ tết cho cha me, khi chết thì thờ kính cúng giỗ đàng hoàng.
Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay
- Óc chủ quan khiến ai cũng thấy chỉ có mình là hay là giỏi, nhất là hay dành phần phải về mình.
Sư tử Hà Đông
- Người đàn bà hay ghen tuông, đanh đá, dữ dằn.
- Các thành ngữ này đều dùng để chỉ những người phụ nữ hay ghen.
- - Hà Đông là một địa danh Trung Quốc, tục truyền có nhiều sư tử và sư tử cái thường bắt nạt sư tử đực. Ông Trần Quý Thường, bạn thân của Tô Đông Pha, có bà vợ hay ghen. Tô Đông Pha liền làm bài thơ đùa bạn, trong đó có câu:
- Hốt kiến Hà Đông sư tử hống
- Trụ trượng lạc phủ tâm mang nhiên.
- (Chợt nghe tiếng sư tử Hà Đông rống lên. Đang chống gậy lòng hoảng hốt đánh rơi cả gậy).
- - Vua nước Kim rất yêu hai cung nữ. Trước khi mất, vua dặn phải chôn theo hai cung nữ đó. Hoàng hậu rất ghen, nên trước khi chôn hai cung nữ, đã đổ giấm vào quan tài để xác và xương mau tan, không thể hầu hạ đức vua được. Lửa nồng dịch từ hỏa cang (nóng như hang đốt lửa) cũng để chỉ tính ghen. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích lửa nồng là chốn lầu xanh (sống ở nơi ngột ngạt). Truyện Kiều có câu:
- Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
Sư tử Hà Đông - Giấm chua lửa nồng
Sửa mũ vườn đào, sủa dép vườn dưa
- Khi đi qua vườn đào, dù mũ đội đầu có bị lệch cũng không nên giơ tay lên sửa mũ, sẽ bị ghi là hái chộm đào. Khi đi qua ruộng dưa, dù dép có bị đứt quai cũng đừng cúi xuống sửa, sẽ bị ghi là hái trộm dưa.
- Câu này ý nói tình ngay lí gian, khuyên ta nên đề phòng để tránh bị ngờ oan:
- Ngán thay sửa dép vườn dưa
- Dẫu ngay cho chết cũng ngờ rằng oan.
- (trích Quan âm Thị Kính – tThị Kính thấy một cái râu chồng mọc ngược, lúc chồng đang ngủ, liền lấy dao định cắt cái râu ấy đi. Chồng bất ngờ tỉnh dậy, tưởng là vợ cầm dao để giết mình).
Sửa mũ vườn đào, sủa dép vườn dưa
Sung cũng như ngái, mái cũng như mây
- Tuy bên ngoài khác nhau chút ít, nhưng vẫn cùng bản chất, nòi giống.
Sung ngái một lòng, bưởi bòng một dạ
- (sung, ngái, vả là ba loại quả cùng loài, chỉ có quả to nhỏ khác nhau; bưởi và bòng là hai loại quả cùng giống bưởi). Lòng dạ, tâm tư ai cũng giống nhau cả, chỉ biểu hiện ra ngoài là khác nhau thôi.
Suy bụng ta ra bụng người
- Suy nghĩ, dự đoán chủ quan, cho rằng mình nghĩ hoặc mong muốn điều gì thì người khác cũng như thế.
Suy bụng ta ra bụng người
- ý mình thế nào thì ý người khác cũng vậy, nên ăn ở thế nào cho phải, chứ đừng dành cả phần lợi cho mình mà để thiệt cho người. bụng mình xấu rồi tưởng người ta cũng xấu như mình.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)