TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ – TỤC NGỮ VIỆT NAM

Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.

***

Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam

Latest | A B C D Đ È G H Í K L M N P Q R S T Ù V X
There are currently 54 names in this directory beginning with the letter X.
Xa chạy cao bay
  • Nhanh chóng lánh đi thật xa để tránh tai vạ, nguy hiểm.

Xa chùa vắng tiếng, gần chùa inh tai
  • Khi ở xa nhau thì cảm thấy nhớ nhung, trống trải; lúc ở gần nhau thì lại thấy khó chịu, phiền hà.

Xa mỏi chân, gần mỏi miệng
  • Người thân ở xa thì mỗi lần đi lại thăm nom phải tốn nhiều thời gian, công sức, không có điều kiện đến với nhau thường xuyên được. Nhưng nếu ở gần nhau lại dễ nảy sinh mâu thuẫn phiền hà.

Xa nhà, xa tiếng nhưng lòng không xa
  • Tuy ở xa nhau nhưng tình cảm thì luôn gắn bó thân thiết, gần gũi.

Xác như vờ, xơ như nhộng
  • Xơ xác, kiệt quệ không còn gì.

Xẩm vớ được gậy
  • (xẩm: người mù, gậy: cây dò đường) gặp may mắn đúng lúc, đúng dịp.

Xắn tay quai cồng

    Xắn tay quai cồng

  • Cồng là một loại chiêng nhỏ dùng để làm hiệu lệnh. Quai cồng thường là loại dây thừng to và bề. Khi đánh, một tay xách quai, một tay dùng để gõ vào mặt cồng. Người phụ nữ xưa mặc váy dài. Khi làm việc, họ phải buộc một dây thừng vào bụng và giắt cặp váy vào dây cho váy cao lên khoảng đầu gối để đỡ vướng.
  • Thành ngữ này dùng để chỉ những người phụ nữ tháo vát, lam lũ. Cũng có khi dùng chỉ những người phụ nữ đanh đá.
  • Nhà thơ nguyễn khuyến trong câu đối khóc vợ cũng có hình ảnh này: 'nhớ bà xưa, xắn tay quai cồng, chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc'.

Xắn váy quai cồng
  • (cồng: một loại nhạc khí. Thời xưa, người đà bà mặc váy dài muốn cho gọn gàng thì phải xăn lên rồi vặn cạp vào thắt lưng, lẳn tròn như quai cồng): người phụ nữ vất vả lam lũ, hay lam hay làm; hành động cong cớn của người đàn bà chua ngoa, ghê gớm.

Xanh đầu con nhà bác, bạc đầu con nhà chú
  • Theo thứ bậc trong họ tộc, những người ở chi trên là đàn anh, ở chi dưới là đàn em. Vì vậy, dù nhiều tuổi nhưng những người thuộc chi dưới vẫn là đàn em của người ít tuổi ở chi trên nên quyền hành không bằng, phải chịu lép vế.

Xanh đầu thì bỏ, đỏ đầu thì nuôi
  • Nói về người đàn ông bỏ vợ cả, lấy vợ lẽ. Con cái của vợ cả đã khôn lớn thì bị ruồng rẫy, con cái của vợ lẽ sinh sau lại được thương yêu.

Xanh không thủng, cá đi đàng nào
  • Câu tục ngữ chỉ sự nghi ngờ người nào đó làm việc vụng trộm. Sự việc gì cũng phải có nguyên nhân chứ không bao giờ tự nhiên lại xảy ra. Tương tự như câu: “không cánh mà bay'.

Xanh như lá, bạc như vôi
  • Lúc yêu thương thì đằm thắm, thiết tha tưởng như không gì chia cắt được; khi ruồng rẫy thì tuyệt tình, tuyệt nghĩa như những kẻ xa lạ chưa bao giờ gặp mặt.

Xanh như tàu lá
  • Xanh ngắt; màu da của người ốm yếu lâu ngày.

Xanh vỏ đỏ lòng
  • Tuy xấu bên ngoài, nhưng lòng dạ rất tốt

Xanh vỏ, đỏ lòng
  • Bề ngoài xấu xí nhưng bên trong lại tốt đẹp.

Xập xí xập ngầu

    Xập xí xập ngầu

  • đây là một thành ngữ gốc hán, do hoa kiều ở quảng đông, phúc kiến dùng và đã nhập vào kho thành ngữ tiếng việt.
  • Hoa kiều phát âm là 'xập xí xập ngầu' nhưng nếu đọc theo âm hán việt là 'tập tứ thập ngũ' (mười bốn mười lăm). Nghĩa của thành ngữ này là: mười bốn nói là mười lăm, mười lăm nói là mười bốn, không minh bạch rõ ràng. Tiếng việt có từ 'ù xịa' cũng dùng để chỉ khái niệm này.
  • Từ ngữ gốc hán đọc theo âm quảng đông có khá nhiều.Ví dụ:
  1. - lục tàu sá (lục đậu sa = chè đậu xanh).
  2. - mì chính (vị tinh = một loại tinh chất dùng làm gia vị).
  3. - bát bảo lường xà (bát bảo lương trà = một loại trà chế bằng 8 vị thuốc quý).

Hình ảnh loài vật trong thành ngữ

Trong tiếng việt, nhân dân ta thường mượn hình tượng các con vật để tả vẻ xấu, đẹp, tính lành dữ của con người. Lối so sánh này giàu tính nghệ thuật và trí tưởng tượng là cho tiếng việt thêm giàu, thêm đẹp.
  1. Muốn thể hiện vẻ xấu đẹp về diện mạo, ta thường nói: mắt bồ câu, mày ngài mắt phượng, ti hí mắt lươn, trơ mắt éch, tròn xoe như mắt ốc nhồi, trắng dã như mắt lợn luộc, đỏ hoe như mắt cá chày, lông mày sâu róm, mũi sư tử, dô như trán khỉ, mồm cá ngão, mồm loa mép giải, nhăn như khỉ ăn gừng, mặt dài như mặt ngựa…
  2. Muốn thể hiện hình dáng, ta thường nói: gầy như xác ve, béo như lợn ỉ, thắt đáy lưng o­ng, mình cá trắm, gù lưng tôm, đùi dế, cổ cò, chân dài như chân sếu, to như chân voi, tay dài như vượn, đen như quạ, béo như cun cút…
  3. Muốn thể hiện tính nết, phong cách, ta thường nói: nhanh như sóc, chậm như rùa, yếu như sên, khỏe như trâu, mạnh như hổ, hôi như cũ, hôi như chuột chù, dốt như bò, chữ như gà bới, lủi như cuốc, ngu như lợn, học như cuốc kêu mùa hè, thẳng như ruột ngựa, dai như đỉa đói, ngang như cua…
  4. Hình ảnh loài vật còn được dùng để thể hiện hoàn cảnh đời sống như:Chuột sa chĩnh gạo, tu hú đẻ nhờ, sẵn tổ như tu hú, dã tràng xe cát, tò vò nuôi nhện…

Xấu chàng hổ ai
  • Người thân bị chê cười thì mình cũng xấu hổ hoặc mang tiếng xấu; không nên vạch cái xấu của người thân cho người ngoài chê cười.

Xấu chữ nhưng lành nghĩa
  • Bề ngoài tuy xấu xí, nhưng bản chất thì tốt đẹp.

Xấu đều hơn tốt lõi
  • Thà tất cả đều xấu còn hơn là tốt một vài chỗ.

Xấu đều hơn tốt lỏi
  • đều đặn với nhau, còn hơn điều tốt mà so le lệch lạc

Xấu gỗ hơn tốt nước sơn
  • Hôn nhân: trọng người có đức tốt hơn người có sắc đẹp

Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ
  • Người xấu xí, có khuyết tật thì lại hay cố tỏ ra mình tốt đẹp, có ưu điểm. Kẻ dốt nát, kém cỏi lại hay khoe khoang mình giỏi giang, thông minh; bất tài nhưng lại hay khoe khoang khoác lác, phô trương.

Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ
  • Người xấu bụng thì hay khoe tốt cho mình, người dốt lại hay mượn lời của thánh hiền nói để loè người ta.

Xấu mã, có duyên thầm
  • Bề ngoài xấu xí, thô thiển nhưng nội tâm lại có nét đáng yêu.

Xấu mặt dễ sai, lành trai khó khiến
  • Hãy bằng lòng với những gì hiện có.

Xấu mặt xin tương, cả phường cùng húp
  • Chấp nhận hy sinh, nhẫn nhục một mình để đem lại lợi ích cho cả số đông.

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người
  • Bề ngoài xấu xí, khiếm khuyết nhưng bản chất bên trong tốt đẹp, sâu sắc vẫn hơn là bề ngoài đẹp đẽ mà nội tâm rỗng tuếch chẳng có gì.

Xấu như ma
  • Quá xấu xí.

Xấu như ma cũng thể trà con gái
  • Dù xấu xí, thô kệch nhưng đang ở độ tuổi trẻ trung thì cũng vẫn ưa nhìn.

Xấu như ma lem

    Xấu như ma lem

  • ở Trung Quốc ngày xưa có 4 người đẹp và 5 người xấu được ghi trong sử sách và truyền vào nước ta.
  • Bốn người đẹp là: Tây Thi (đời Xuân Thu), Chiêu Quân (đời Hán), Điêu Thuyền (đời Tam Quốc), Dương Quý Phi (đời Đường).
  • Năm người xấu nhất nước là: Mô Mẫu (vợ hoàng đế Trung hoa cổ đại)
  • Chung Vô Diệm (vợ vua Tề Tuyên Vương thời Chiến Quốc).
  • Mạnh Quang (vợ danh sĩ Lương Hồng đời hậu Hán)
  • Nguyên Nữ (vợ danh sĩ Hứa Doãn đời Đông Tấn).
  • Hoàng Thi (vợ Khổng Minh Gia Cát Lượng).
  • Trong số này, Chung Vô Diệm là xấu nhất. Bà chính họ là Chung Li, tên là Xuân, người đất Vô Diệm, tỉnh Sơn Đông (chính bà này được người đời gọi xấu như ma lem). Sách xưa ghi lại hình dáng bà như sau: tóc đỏ, mắt xanh, môi dày, miệng rông, bụng phệ, lưng gù, da sạm.
  • Tại sao tề tuyên vương lại lấy bà này làm chính phi ? bà rất tài trí tinh thông văn võ. Năm 40 tuổi, bà xin gặp mặt vua. Chỉ trong một buổi đối thoại, Tề Tuyên Vương đã bị thuyết phục. Khi nhà vua hỏi về việc nước bà thưa 'nước Tề bị nước Tấn uy hiếp ở phía tây, nước Sở uy hiếp ở phía nam, đó là nguy cơ thứ nhất. Nhà vua làm nhọc sức dân, hao tiền tốn của, đó là nguy cơ thứ hai/ trong triều hiếm người hiền, trọng kẻ nịnh, đó là nguy cơ thứ ba. Đấng quân vương ham mê tửu sắc, không sửa sang chính trị trong nước, đó là nguy cơ thứ tư'.
  • Trước những lời thẳng thắn, cương trực của Chung Li, Tề Tuyên Vương đã bừng tỉnh và nói: 'nếu không có lời nói của nhà ngươi thì quả nhân không bao giờ biết được lỗi lầm của mình'. Vua liền lập Chung Vô Diện làm chính phi để giúp mình trông coi việc nước.
  • Câu chuyện này nhập vào nước ta cũng có ý sâu xa, vì bà này tuy nhung nhan xấu nhưng công, ngôn, hạnh lại nổi bật.

Xay lúa thì đừng ẵm em
  • Làm việc này thì thôi việc kia, không thể ôm đồm nhiều việc được; còn có ý nói ở đời được mặt này thì phải hy sinh mặt kia, không thể được toàn vẹn tất cả.

Xé mắm mút tay
  • Làm nghề gì cũng được hưởng lợi chẳng ít thì nhiều do nghề đó mang lại.

Xem trong bếp biết nết đàn bà
  • Trong gia đình, người phụ nữ là người lo việc bếp núc, ăn uống. Xem bếp núc thấy gọn gàng, ngăn nắp, ấm cúng thì bà chủ của gia đình đó là người đảm đang.

Xỏ chân lỗ mũi
  • được quý trọng, chiều chuộng thì sinh hư, bắt người phải làm theo ý mình một cách thái quá; kẻ nhu nhược hoặc ngờ nghệch bị người khác sai khiến, qua mặt.

Xoay như chong chóng
  • Tháo vát, năng nổ, xoay xở đủ cách để hoàn thành công việc; kẻ lật lọng, thay đổi thái độ vô cùng nhanh chóng.

Xôi hỏng bỏng không
  • để hư việc lớn, quay sang việc nhỏ cũng hỏng luôn.

Xôi hỏng bỏng không
  • Mất tất cả, chẳng được thứ gì.

Xởi lởi trời gởi của cho, so đo trời co ro lại
  • Rộng rãi với người, trời ở rộng cho, keo kiết với người, trời không cho nữa

Xởi lởi trời gửi của cho, xo ro trời co của lại
  • ăn ở rộng rãi, cởi mở với mọi người thì sẽ gặp nhiều may mắn; ăn ở keo kiệt, ích kỷ, hẹp hòi thì sẽ gặp nhiều trắc trở, khó khăn.

Xong chay, quẳng thầy xuống ao
  • Kẻ bội bạc, vô ơn, khi đã qua cơn hoạn nạn thì quên luôn người cứu giúp mình.

Xuân bất tái lai
  • Tuổi xuân qua đi không bao giờ quay trở lại.

Xuất đầu lộ diện
  • Công khai xuất hiện trước mọi người, không còn che đậy, lẩn tránh.

Xuất giá tòng phu
  • Lấy chồng phải theo chồng. (quan niệm về “tam tòng' của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ).

Xuất khẩu thành chương
  • Có tài văn chương, ứng đối thơ văn nhanh nhạy, tài tình.

Xuất kỳ bất ý
  • đột ngột, bất ngờ.

Xúc tép nuôi cò
  • Uổng công làm việc vô ích cho ai mà bị phản bội

Xui nguyên, giục bị
  • Xúi bẩy, kích động cả hai bên kiện cáo, xích mích nhau để kiếm lợi lớn từ cả hai bên.

Xui nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện
  • Làm phúc, giúp đỡ người khác thì được nhớ ơn mãi mãi; tranh chấp kiện cáo nhau sẽ gây nên mối thù hận lâu dài.

Xui trẻ ăn cứt gà
  • Bày vẽ, xúi dục người non nớt làm điều dại dột.

Xưng hùng xưng bá
  • Ngang tàng, kiêu ngạo, tự cho mình là bá chủ để hoành hành ngang ngược, phô trương thanh thế.

Xuôi chèo mát mái
  • Công việc thuận lợi, tốt đẹp, không có gì vướng mắc.

Xương bỏ ra, da bọc lấy
  • Anh em ruột thịt cùng huyết thống thì phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Xướng ca vô loài
  • Quan niệm phong kiến thời xưa xếp những người làm nghề ca múa vào hạng lạc loài, đáng khinh rẻ, ảnh hưởng đến con cháu nhiều đời sau.

Xương đồng da sắt (xương sắt da đồng)
  • Có sức chịu đựng mọi gian khổ, nặng nhọc.

hat-giong

(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)

Loading

Leave a Reply