Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
***
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 281 names in this directory beginning with the letter Đ.
Đá gà, đá vịt
- Thỉnh thoảng mới qua lại thăm nom, trông coi cho có lệ chứ thực chất thì không quan tâm, tha thiết gì; làm việc qua quýt chiếu lệ cho qua chuyện.
Đa mưu túc trí
- Khôn ngoan, thông minh lanh lợi, có thể nghĩ ra nhiều mưu kế để ứng phó và xử lý mọi tình huống.
Đá nát, vàng phai
- Không còn giữ được phẩm chất ban đầu; không giữ được lời nguyện ước; tình yêu bị phai nhạt, tan vỡ.
Đa nghi như Tào Tháo
- Đa nghi; Rất hay ngờ vực, nghi kỵ.
Đã trót thì phải trét
- đã trót làm việc gì thì phải theo đuổi cho tới cùng, không thể bỏ dở giữa chừng.
Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác, đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư
- Nếu không biết làm những công việc thuộc chức năng của mình là người lười nhác, hư hỏng.
Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng, một là sát chồng, hai là hại con
- Phụ nữ tiếng nói phải dịu dàng êm ái, người có tiếng nói đanh đá, san sát thì không phúc hậu.
Đàn ông cắp chà, đàn bà làm tổ
- Nói về chức năng của người vợ và người chồng để có một gia đình no ấm, hạnh phúc; việc kiếm tiền, làm ra của cải là của người đàn ông; việc nuôi dạy con cái, gìn giữ nề nếp trật tự trong gia đình là của người đàn bà.
Đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy
- Một nhận định về sự dễ dãi, bừa bãi trong quan hệ tình dục của đàn ông (khuyên phụ nữ phải biết giữ mình).
Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
- đàn ông suy nghĩ xa hơn, mạnh sức hơn đàn bà
Đàn ông vượt bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình
- Mối nguy hiểm, đau đớn của người phụ nữ khi sinh đẻ không thể san sẻ với ai; sự thua thiệt của người phụ nữ nói chung.
Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay
- Người trượng phu, người anh hùng thì phải rộng lượng, vị tha.
Đánh bùn sang ao
- Việc làm không có tác dụng, luẩn quẩn; trốn tránh, cố tình không thực hiện trách nhiệm, công việc.
Đánh chó, không ngó đến chúa
- Vụng về trong cư xử, không biết kiêng nể ai; tệ hại với người nào đó mà không e nể họ còn liên quan thân thiết với người khác có địa vị, thế lực.
Đánh giáp lá cà
- Câu này ai cũng hiểu là đánh nhau mặt đối mặt, hai bên giáp sát vào nhau. Từ điển việt nam của hội khai trí tiến đức giải nghĩa giáp lá cà: 'nơi quân hai bên xông vào đâm chem. Nhau'. Từ giáp này hiện nay vẫn dùng: hai nhà ở giáp nhau. Hai người giáp mặt nhau.
- Nhưng lá cà là gì ? có người giải thích: ngày xưa, trong chiếc áo của ta có dùng nhiều từ lá. Lá sen là bộ phận đệm phía trong vai áo để mặc được bền. Miếng vải này hình giống lá sen. Lá xoài là một miếng vải đệm bông, lòng vào cổ và tỏa ra hai vai. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng thường phải có lá xoài để đỡ đau vai và đỡ rách áo. Lá cà là một bộ phận trong áo võ quan. Loại này có hồng tâm bằng đồng đẻ che ngực và một mảnh lá cà để che bụng và hạ bộ. Mảnh này giống hình chiếc lá cà. Trong quần áo hát hội, các nghệ nhân gọi nó là lá cà. đánh giáp lá cà là mặt đối mặt, các lá cà của hai tướng sát vào nhau.
đánh giáp lá cà
Đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại
- Phải vị tha, độ lượng; người ta đã biết lỗi lầm, khuyết điểm thì không nên cố chấp, hắt hủi họ.
Đánh trống lảng
- Trong lễ tế thần, khi tiến rượu, các tế viên (ông mạnh, ông bồi) phải đi khoan thai, từng bước một, theo điệu nhạc và nhịp trống từ ngoài sân vào trong cung. Khi ở trong cung trở ra, các tế viên phải bước rất nhanh theo nhịp trống dồn nhập gọi là trống lảng (tiếng giục để lảng ra cho nhanh). Sau này, thành ngữ đánh trống lảng được dùng với nghĩa: một người nào đó đang nghe chuyện này thì nói lảng ra chuyện khác, hoặc lảng ra chỗ khác để tránh điều bất lợi cho mình.
đánh trống lảng
Đánh trống lấp
- Trong lễ tế thần, khi đọc văn tế, vì kiêng tên húy của thần nên người đọc văn chỉ đọc lẩm nhẩm trong miệng. Tuy vậy, vẫn sợ người ngoài biết tên húy nên khi đọc đến tên và chức tước của thần, người đánh trống còn điểm mấy tiếng trống để làm lấp tiếng người đọc. đánh trống lúc đó gọi là trống lấp. Ngày nay, thành ngữ này thường dùng để chỉ việc kể lể lôi thôi nhằm lấp liếm câu chuyện chính hoặc che đậy lỗi lầm của mình.
đánh trống lấp
Đánh trống qua cửa nhà sấm
- 'Đánh trống qua cửa nhà sấm' là một thành ngữ bắt nguồn từ điển tích Trung Quốc với nghĩa là: người kém tài chớ qua cửa người giỏi, gần giống thành ngữ 'Đừng thi bơi với giải' (giải là một loài bò sát lớn thường sống ở đầm nước, bơi rất nhanh). Theo điển tích xưa, vua Ngô Phù Sai đóng đô ở Cô Tô, xây thành có đặt tên cửa là Xà Môn (cửa rắn) để trấn áp nước Việt. Người Việt làm cửa Lôi Môn (cửa sấm) để chống lại. Hễ đánh trống lớn ở cửa Lôi Môn thì cửa Xà Môn lập tức mở ra để dò xem động tĩnh.
Đào sâu chôn chặt
- Cố giấu kín điều bí mật không để cho người thứ hai biết được; cố nén vào lòng để quên đi.
Đất có lề, quê có thói
- Nơi nào cũng có lề lối, phong tục tập quán của nơi ấy, nên hiểu biết để tôn trọng và ứng xử cho phù hợp.
Đắt lúa tẻ, rẻ lúa nếp
- Thường thì lúa nếp quý và đắt hơn lúa tẻ, nhưng khi người tiêu dùng tập trung mua lúa tẻ thì lúa nếp phải xuống giá. Người quan trọng, vật quý giá đôi khi cũng phụ thuộc vào người thứ yếu hoặc hoàn cảnh thực tế xung quanh.
Đau đẻ còn chờ sáng trăng
- Lề mề chậm chạp, việc cấp bách không thể trì hoãn được mà còn vặn vẹo, chờ đợi điều kiện.
Đầu đội trời, chân đạp đất
- Khí phách vững vàng, hiên ngang, không chịu khuất phục trước bất kỳ một thế lực nào.
Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi
- Một kinh nghiệm buôn bán: đầu năm đói kém ăn uống tằn tiện, cuối năm xây dựng nhiều buôn vôi đắt hàng.
Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm
- Gió mát, ẩm ướt, thổi từ hướng đông nam tới): hiện tượng thời tiết trái với quy luật bình thường báo hiệu khí trời độc, ảnh hưởng không tốt tới sản xuất và sức khoẻ con người.
Đầu Ngô mình Sở
- Mỗi thứ một nơi, lộn xộn, không ăn khớp với nhau; Tả tình trạng đầu đuôi không ăn khớp, có tính chất chắp vá
Đau thương thân, lành thời tiếc của
- Khi khỏe mạnh lành lặn thì keo kiệt, không giám ăn tiêu, lúc ốm đau mới thương thân mình.
Đầu xuôi đuôi lọt
- đầu to mà qua được thì đuôi bé qua dễ dàng. Việc khởi đầu thường khó mà trôi chảy, những việc sau không khó khăn chi
Đem con bỏ chợ
- đưa người ta đến nơi hoàn toàn xa lạ, hoặc vào tình cảnh nhỡ nhàng bơ vơ nguy hiểm mà không có trách nhiệm gì.
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối
- Tháng năm (âm lịch) ngày dài đêm ngắn, tháng mười (âm lịch) ngày ngắn đêm dài.
Đến đầu đến đũa (đến nơi đến chốn)
- Làm việc gì phải có trách nhiệm với việc đó cho chu đáo, trọn vẹn.
Đen đầu thì bỏ, đỏ đầu thì nuôi
- (đen đầu: con lớn, tóc dài đen; đỏ đầu: con mới sinh, chỉ con vợ lẽ): phụ bạc vợ cả con chính, yêu thương vợ lẽ con khôn.
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng
- Việc của ai người nấy biết, không quan tâm hay can thiệp vào việc của người khác.
Đèo heo hút gió
- Thành ngữ này dùng để chỉ nơi hoang vắng (đi vào nơi đèo heo hút gió). Sinh thời, nhà văn nguyễn công hoan đã giải thích cho tôi như sau:
- Chính là 'đèo neo hút gió' bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ đi từ thăng long lên ải nam quan phải đi qua đèo neo (một cái đèo ở gần thị xã bắc giang bây giờ). Tiễn những người đi sứ sang trung quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải.
- Cũng nhân từ đèo neo (một danh từ riêng) nhà văn nguyễn công hoan còn nói: lưu đồn trong bài ca dao: 'ba năm trấn thủ lưu đồn' cũng là một danh từ riêng. Thời trịnh – nguyễn phân tranh, chúa trịnh cho đóng một đồn binh lớn ở phía bắc sông gianh để canh phòng. Lưu đồn là một địa danh nay thuộc tỉnh quảng bình.
đèo heo hút gió
Đi (ra đường) hỏi già về nhà hỏi trẻ
- Ngoài đường người già ít khuấy chơi, ở nhà trẻ con thường nói thật
Đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối
- đi buôn phải biết gắn bó với phường, hội của mình, cũng như đi đường phải nhớ lối thì mới không bị nhầm lẫn, thua thiệt.
Đi buôn nói ngay không tày đi cày nói dối
- Người buôn bán hay nói dối, còn nông dân thì thật thà, chất phác.
Đi cầu nào, biết cầu nấy
- Có trải qua sự việc mới biết những khó khăn phức tạp của nó; xong việc nào mới chắc chắn, yên tâm được việc đó.
Đi cày ba vụ không đủ ăn ba ngày tết
- Sự tốn kém, hoang phí của tục ăn tết nguyên đán ở nông thôn xưa.
Đi chơi tùy chốn, bán vốn tùy nơi
- Trong chơi bời, làm ăn phải cân nhắc, tính toán để lựa chọn nơi xứng đáng.
Đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời
- Ra ngoài bị thiên hạ không coi ra gì, nhưng khi về nhà thì lên mặt tự đắc.
Đi đến đâu, chết trâu đến đó
- Người cục mịch, vụng về, làm việc gì hỏng việc nấy; đi đến đâu là làm hỏng việc hoặc gây ồn ào, huyên náo ở đó.
Đi đến nơi, về đến chốn
- Làm việc gì phải chú trọng vào việc đó từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc; không la cà, không đi ngang về tắt.
Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ
- đi đường muốn biết điều gì nên hỏi người già, vì người già thường nhiều kinh nghiệm; về nhà hỏi trẻ vì chúng chưa biết giấu giếm sự thật, có thế nào nói thế ấy.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
- Câu tục ngữ này khuyên ta nên tìm học trong thực tế cuộc sống. Lời khuyên này rất quý và sâu sắc.
- Ngày là nói về thời gian, đàng (đường) là nói về không gian . Ngày đàng kết hợp tạo nên một nghĩa bao quát là đi vào cuộc sống để học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.
- Tại sao lại nói một sàng khôn, mà không nói một thúng khôn, một bị khôn. Nếu suy nghĩ đơn giản thì sàng vần với đàng. Nhưng phải hiểu sàng là gì ? sàng là một dụng cụ đan bằng tre, hình tròn như cái mâm, nông và thưa. ở nông thôn, nhà nào cũng có sàng để khi xay thóc xong, dùng sàng để làm sạch trấu và cám, chỉ giữ lại gạo.
- Vì vậy, đi trong cuộc sống, không phải thấy điều gì cũng học vì có điều hay điều dở. Chúng ta phải sàng lọc, chỉ học điều hay, điều khôn mà thôi. đổi thay nhạn yến
- Thành ngữ này để chỉ thời gian một năm. Về mùa đông, chim nhạn (tức hồng nhạn) thường di cư về phía nam để tránh rét (hồng nhạn còn gọi là chim sếu). Về mùa xuân, chim yến (én) bay về. Thành ngữ này giống thành ngữ đông qua xuân tới.
- đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
- (truyện kiều)
đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Đi ngược về xuôi
- đi nhiều nơi, hoạt động năng nổ, tháo vát; có quan hệ tiếp xúc rộng rãi với xã hội; bận rộn, vất vả long đong.
Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy
- (cũng 'Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy')
- Ăn mặc phải tùy hoàn cảnh, với người giầu, người nghèo, để khỏi bị khinh.
- Lựa tình thế, lựa người, lựa quan hệ mà hành động, đối xử cho phù hợp.
Đi xa về gần
- Lần đầu đi đường lạ thấy xa vì sốt ruột, khi quay về thì có cảm giác đường gần hơn vì đã quen đường.
Điếc tai cày, sáng tai họ
- Rất tinh tường khi nghe có hiệu lệnh nghỉ nhưng lại ngây điếc khi có việc làm; cố ý lười biếng, không muốn làm việc, uể oải lừng khừng trong lao động.
Điệu hổ ly sơn
- Dùng mưu kế dẫn dụ đối phương ra khỏi môi trường sống quen thuộc nhằm dễ bề tiêu diệt hoặc chinh phục.
Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên
- Chỉ nên ghi nhớ những điều tốt và bỏ qua những điều người khác không phải với mình.
Điều nặng, tiếng nhẹ
- Lời nói lúc thì chì chiết, đay nghiến, khi thì bóng gió xa xôi khiến người nghe cảm thấy nặng nề, khó chịu.
Điều qua tiếng lại
- Người nói đi, kẻ nói lại, không ai chịu ai dẫn đến xích mích hoặc cãi nhau to tiếng.
Đố ai gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng
- Câu này có 3 thành ngữ: gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng. 3 thành ngữ này đều nói những điều không thể làm được. Không ai gánh đá vá trời được như nhân vật nữ oa trong thần thoại trung quốc. (thuở sơ khai), bầu trời còn thủng lỗ chỗ, bà nữ oa đã luyện đá ngũ sắc vá lại bầu trời. (trích theo sách của hoài nam tử). Nhiều như nước biển mà dùng gàu để tát thì tát sao cạn. Người cung trăng chỉ hằng nga thì sao mà ghẹo được.
- Các thành ngữ này khuyên ta đừng có làm điều viển vông, không tưởng. Muốn thành công ở đời cần có óc thực tế.
đố ai gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng
Đổ thóc giống ra mà ăn
- Làm một việc dại dột, có thể gây hậu quả nghiêm trọng do nghe theo những lời nói thiếu đúng đắn.
Đổ xuống sông xuống biển
- Uổng công vô ích, bao nhiêu công sức, cố gắng đều không mang lại hiệu quả gì.
Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết/ một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao
- Trước việc khó, chung nhau giải quyết sẽ thành công
Đói ăn rau má, chớ ăn bậy bạ mà chết
- Dù đói cũng phải thận trọng khi kiếm cái ăn. Rau má là thứ lành, dễ kiếm, có thể chống đói qua ngày.
Đói ăn rau, đau uống thuốc
- đói thì rau gì ăn được cũng ăn, cần no bụng. Bệnh thì thuốc gì uống đuợc cũng uống, cần khỏi bệnh.
Đói cho sạch, rách cho thơm
- Dù đói nghèo cũng phải ăn mặc sạch sẽ, giữ gìn nhân cách, không làm điều nhơ nhuốc.
Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào
- Cờ đến tay ai người ấy phấy. Ai có nhiệm vụ, họ cũng có sáng kiến giải quyết sự việc.
Đồi phong bại tục
- Lối sống suy đồi, xấu xa làm mất hết thuần phong mỹ tục của dân tộc và gia phong lễ giáo.
Đói thì ăn ráy ăn khoai, chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng
- Kinh nghiệm trồng trọt: lúa trổ bông vào tháng hai là mất mùa.
Đơm đó ngọn tre
- đó là đồ dùng đánh cá hình thon dài, miệng có hom, cá chui vào nhưng không chui ra được. đơm đó phải đơm chỗ có nước chảy. đơm đó ở ngọn tre thì làm gì có cá.
- Câu này chế giễu người nào mong đợi những điều viển vông.
đơm đó ngọn tre
Đom đóm bắt nạt ma trơi
- (ma trơi: luồng sáng xanh lè, thường lập loè ở bãi tha ma sau những trận mưa, do hợp chất phốt pho từ xương động vật thoát ra bốc cháy). Kẻ ghê gớm, đành hanh, dám chơi trò ú tim với kẻ mạnh hơn.
Đơn thương độc mã
- Thương là ngọn giáo, mã là ngựa. Thành ngữ này nghĩa gốc là một giáo một ngựa dùng để chỉ sự đơn độc, lẻ loi trong khi chiến đấu với khó khăn nguy hiểm, không có sự hỗ trợ của người khác.
đơn thương độc mã
Đón trước rào sau
- Dẫn dắt lý lẽ, bằng chứng một cách khéo léo, tế nhị trước khi đưa ra điều mình cần trình bày để tránh bị người khác thắc mắc, bắt bẻ.
Đòn xóc hai đầu
- Người đứng giữa khích bác, xúc xiểm cả hai bên cho mâu thuẫn càng phức tạp, nặng nề hơn.
Đồng bấc thì qua, đồng quà thì nhớ
- Người đàn bà đoảng, không chịu để tâm việc cần thiết, chỉ chú ý miếng ăn.
Đồng có láng giềng đồng, nhà có láng giềng nhà
- ở đâu cũng có người thân cận, gần gũi, cần tạo quan hệ tốt.
Đồng không mông quạnh
- Thành ngữ này được dùng để chỉ một nơi trống trải, vắng lặng gây cho ta cảm giác cô đơn (không là trống trải, quạnh là vắng vẻ).
- Trong thành ngữ trên, đồng là danh từ (cánh đồng) thì mông cũng là danh từ mới đối xứng theo cách kết cấu phổ biến của thành ngữ. Tiếng việt cổ, mông là một bãi trống. (ở vùng nghệ tĩnh còn giữ từ này trong phương ngữ).
đồng không mông quạnh
Đồng nát lại về cầu nôm
- Cầu nôm là làng nghề đúc đồng. Thứ hư hỏng, kém phẩm chất lại được trả về nơi sản xuất ra; những gì xấu kém thì phải cải tạo lại, không thể tránh đi đâu được.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, đồng tiền đi sau là đồng tiền dại
- Khi cần chi tiêu, trả nợ, cho biếu thì nên làm sớm, không nên chậm trễ.
Đồng tiền liền khúc ruột
- Của mình thì mình phải giữ, không thể tin ai, không thể buông lơi được; động đến tiền của là đau xót.
Đồng tiền trong nhà, đồng tiền chửa; đồng tiền ra cửa, đồng tiền đẻ
- Tiền bạc được lưu thông, buôn bán sẽ sinh lãi.
Đua bơi với giải thì thua
- Ganh đua với người giàu sang, tài giỏi hoặc có thế lực hơn mình thì chỉ nhận được sự thua thiệt.
Đũa mốc chòi mâm son
- Thân phận hèn kém đòi vươn lên địa vị cao sang; người xấu xí hay nghèo khó lại muốn lấy vợ (chồng) giàu có, đẹp đẽ.
Đứa ở xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa
- Kẻ ăn người ở phải xét đến công lao, còn vợ chồng cần coi trọng tình nghĩa.
Đục đến chạm thì chạm đến khăng
- Kẻ có quyền thế đấu đá, chèn ép lẫn nhau cũng sẽ gây tai vạ đến người khác.
Đục nước béo cò
- Lợi dụng lúc tình thế lộn xộn để kiếm chác, vơ vét lợi lộc về mình; tình thế rối ren, lộn xộn chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội dựa vào đó để kiếm chác.
Đừng ăn cây táo mà rào cây sung
- Không nên hưởng quyền lợi ở nơi này lại ủng hộ, bảo vệ, vun vén cho nơi khác.
Đừng chê lươn ngắn mà tham chạch dài
- đừng chê nơi này dở, không tốt đẹp lại chọn phải nơi khác dở, xấu hơn.
Đừng đẻ sau khôn trước
- Không nên thiếu khiêm tốn, đừng ít tuổi nhưng lại tỏ ra khôn ngoan, hiểu biết hơn người lớn tuổi.
Đừng khinh khó, chớ cạy giàu
- Không nên khinh thường người nghèo, đừng vội cậy mình giàu có, ở đời thăng trầm biến động là chuyện thường.
Đứng mũi chịu sào
- Khi con thuyền vượt qua ghềnh thác, người đứng ở mũi thuyền, cầm sào chèo chống có vai trò quan trọng và phải chịu gian khổ nguy hiểm.
- Từ nghĩa này, thành ngữ đứng mũi chịu sào chỉ công việc quan trọng, gánh vác nhiệm vụ nặng nề, đương đầu với gian khổ vì lợi ích chung.
- Ca dao có câu:
- đôi ta lên thác xuống ghềnh
- Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
- (phải hiểu là vợ và chồng cùng đứng mũi chịu sào, cùng chung gian khổ, cùng đồng tâm hiệp lực để vượt khó khăn, không nên hiểu là chồng trút khó khăn cho vợ).
đứng mũi chịu sào
Được lòng đất, mất lòng đò
- được lòng người này, mất lòng người kia; rơi vào tình thế khó xử, không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
Được lòng ta, xót xa lòng người
- Phải biết cân nhắc giữa lợi ích của mình và của người khác; không vì lợi ích của riêng mình mà chà đạp lên quyền lợi, hạnh phúc của người khác.
Được mùa buôn vải, buôn vóc; mất mùa buôn thóc, buôn gạo
- Năm được mùa, dân chúng no nê có tiền may sắm thì nên buôn vải vóc; năm mất mùa, dân đói kém thì nên buôn thóc gạo.
Được mùa chớ phụ ngô khoai
- Khi được mùa, lúa gạo đầy bồ cũng không được coi rẻ ngô khoai vì chẳng may đói kém ập tới là khốn khổ ngay; lúc thuận lợi, may mắn cũng chớ quên lúc hàn vi, vận hạn.
Được tiếng khen, ho hen chẳng còn
- được lòng mọi người thì mình cũng hết cả hơi sức; không nên tốn sức để mua lấy hư danh.
Đường quang chẳng đi, đâm quàng bụi rậm
- Việc dễ dàng, sáng sủa không làm lại đi đương đầu với khó khăn, bế tắc.
Đường vòng hay tối, nói dối hay cùng
- đi đường vòng thì xa có khi trời tối mà chưa đến nơi. Nói dối thường gặp chỗ cùng, bế tắc không dối ai được nữa.
- Câu này khuyên ta nên đi đường thẳng, không đi ngang về tắt ý khuyên làm những việc quang minh và nói lời ngay thật.
đường vòng hay tối, nói dối hay cùng
Đứt đuôi con nòng nọc
- Cắt đứt, tách biệt, không còn lưu luyến, dính dáng gì; rõ ràng, cụ thể, không thể chối cãi được.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)