Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
***
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 113 names in this directory beginning with the letter H.
Há miệng mắc quai
- Bản thân mình cũng làm việc xấu hay có yếu điểm ấy nên né tránh, làm ngơ trước những hành động tương tự của kẻ khác.
Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có
- (cơ cầu: khổ cực, nghiệt ngã). ăn tiêu tằn tiện, chịu khổ cực, chắt bóp mới giàu có.
Hai người đánh một, chẳng chột cũng què
- Số đông là cái đáng sợ, nhất là chuyện đánh lẫn nhau, nếu đương đầu với số đông hơn thì dù có tài cán đến đâu cũng bị thiệt hại. Phải biết tránh khi gặp phải số đông mới mong được yên thân.
Hai thưng một đấu
- Dù ở đâu thì cuối cùng vẫn dồn về một chỗ, cũng là của chung, không nên tách biệt chi ly quá mức.
Hăng tiết vịt
- Hăng hái, hào hứng nhưng chỉ được chốc lát là lại dãn ra, chán nản; không lâu bền, không thường xuyên.
Hay không lây hèn, sen không lây bùn
- Người thật sự có tài, đức thì dù gần người xấu cũng không bị ảnh hưởng.
Hết nạc vạc đến xương
- Tham lam, hết cái tốt, cái ngon thì dùng đến cái xấu, cái kém; bóc lột đến cùng, không chừa thứ gì.
Hí hửng như Ngô được vàng
- Mừng rỡ, hớn hở (thường là quá mức) Các thành ngữ tương tự: Hí hửng như bắt được vàng; Mừng như (bắt/nhặt) được vàng
Họ nhà tôm lộn cứt lên đầu
- Tình trạng gia đình lộn xộn, không có phép tắc, lễ giáo, không có tôn ti trật tự.
Hoa tàn nhị rữa
- Những thứ bỏ đi, không còn giá trị gì. (thường chỉ người con gái đẹp không còn giữ được trinh tiết, nhan sắc đã tàn phai).
Hoạ vô đơn chí, phước bất trùng lai
- Tai hoạ không chỉ đến một lần, còn điều may mắn chẳng cùng đến hai lần, chẳng lặp lại.
Hoài hồng ngâm cho chuột vọc, hoài hạt ngọc cho ngâu vầy
- Của tốt để cho kẻ xấu làm ô uế, uổng phí; người con gái đẹp lấy phải chồng không ra gì.
Học ăn, học nói, học gói, học mở
- đây là câu thành ngữ khuyên mọi người phải học cách đối xử ở đời để trở nên người có văn hóa.
- ăn cũng phải học ăn như 'ăn trông nồi ngồi trông hướng'. đối với trẻ, khi ăn không nên khua bát khua đũa. Nhiều trẻ khi nhai cứ nhồm nhoàm hoặc tạo ra tiếng chồm chộp vì nhai hai hàm một lúc, hàm trên bập xuống hàm dưới tạo thành tiếng kêu. Cần tập cho trẻ chỉ dùng một hàm khi nhai.
- Nói cũng phải học để biết cách xưng hô nói năng lễ phép, lịch sự. 'lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau'. Ngày nay, ta thường gặp nhiều cô cậu ăn mặc diện nhưng nói rất tục. Chỉ nghe qua lời nói ta đã biết là loại vô văn hóa. Học gói học mở theo phép lịch sự ở đất kinh kì cũng rất khó. ở đất hà nội xưa, một số gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén xinh bày lên mâm cỗ. Người gói phải khéo tay mới gói được và người ngồi, ăn cũng phải biết cách mở để khỏi bật tung nước chấm ra mâm…
- Ngày nay, gói bánh trưng đã mấy người biết gói cho đẹp để bánh cao thành sắc cạnh và mở bánh (bóc bánh) chưng cũng phải học mới khéo được.
- Có người còn hiểu rộng câu trên, cho rằng mở và gói khó nhất la khi làm văn:
- Văn hay chẳng lọ là dài
- Mới đọc mở bài đã biết văn hay.
- Còn gói bài văn (kêt luận) thế nào để người đọc còn thấy dư âm và gây ấn tượng sâu không phải dễ.
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Học khôn đi lính, học tính đi buôn
- Người đi lính thì khôn ngoan từng trải, người đi buôn thì biết tính toán.
Học tài thi phận
- Quan điểm tiêu cực; người học giỏi, thông minh nhưng thi cử có đỗ hay không là do số phận định đoạt.
Hỏi sư mượn lược
- Làm một việc lẩm cẩm, ngớ ngẩn. Tìm đến nơi không bao giờ có khả năng để mượn bợ, nhờ vả.
Hỏi vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha
- Một kinh nghiệm hôn nhân, làm lễ ăn hỏi xong nên cưới ngay.
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại
- Lời nói đi thì nhẹ nhàng, lời nói lại thì nặng nề dễ gây hiểu lầm, bất hoà.
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại
- Nói nặng người, bị người chửi lại. Nhận quà người cho, phải liệu cho lại
Hơn một ngày chẳng ở, kém một ngày chẳng đi
- Theo mê tín, con người sống chết có số, cứ đến ngày đến giờ chết thì chết, không sống thêm, cũng không chết sớm hơn một ngày, một giờ.
Hơn một ngày hay một chước
- Người hơn tuổi dù là hơn có một ngày cũng có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu biết hơn.
Hôn quân bạo chúa
- Chỉ những tên vua chúa dốt nát, tàn bạo, độc ác, không giữ được kỷ cương phép nước.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt
- (Trương Ba là người đánh cờ rất giỏi được thần Đế Thích cho một nắm nhang và dặn có việc gì cần giúp thì thắp lên. Sau đó không lâu thì Trương Ba bị chết đột ngột. Một hôm vợ Trương Ba dọn nhà thì nhặt được nắm nhang nọ bèn đem ra thắp lên bàn thờ chồng. Thần Đế Thích xuống trần mới biết là Trương Ba đã chết được gần một tháng nên xác đã bị phân huỷ. Không có cách nào khác để cứu Trương Ba, đế thích cho hồn anh nhập vào xác của anh hàng thịt vừa chết hôm trước. Anh hàng thịt bỗng nhiên sống dậy chạy một mạch về nhà Trương Ba. Vợ anh hàng thịt và vợ Trương Ba ai cũng nhận người mới sống lại là chồng mình nên cuối cùng đã kiện nhau ra cửa quan. Quan hỏi hai người vợ lúc còn sống chồng biết làm nghề gì. Sau khi được trả lời, quan sai người mang con lợn vào cho người mới sống lại làm thịt nhưng anh ta loay hoay mãi mà không làm được. Nhưng khi mang cờ ra thì anh chơi rất giỏi. Quan thấy vậy liền xử cho anh về nhà Trương Ba). Nghĩa của câu này là: không ăn khớp, không có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức.
Hùm mất hươu như mèo mất thịt
- Người có quyền thế, địa vị bị mất một món lợi lớn cũng như kẻ hèn mọn bị mất món lợi nhỏ.
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn
- Người tài giỏi, anh hùng khi bị sa cơ lỡ vận cũng trở thành hèn mọn.
Hung chi hơn gạo, bạo chi hơn tiền
- Vai trò quan trọng của yếu tố vật chất khi tiến hành thực hiện một ý đồ lớn; còn có ý coi thường sự khôn ngoan, giỏi giang nhưng nghèo hèn.
Hương năng thắp năng khói, người năng nói năng lỗi
- Cái gì cũng có chừng mực thì không gây hại, không mắc sai lầm.
Hữu bệnh thì vái tứ phương, vô bệnh đồng hương không mất
- Có bệnh tật thì chạy chữa, tìm thầy thuốc khắp nơi; không bệnh tật thì coi thường; lúc có việc gấp thì mới cầu cạnh khắp nơi, khi bình thường thì chẳng biết đến ai.
Hữu danh vô thực
- Có danh mà không có thực; chỉ có danh tiếng bề ngoài nhưng thực chất thì chẳng có gì.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng
- Có duyên với nhau thì dù cách xa nghìn dặm cũng có thể gặp nhau; không có duyên với nhau thì dù đối diện nhau cũng thấy như xa cách.
Hữu sắc vô hương
- Có sắc mà không có hương; bông hoa có màu sắc đẹp đẽ nhưng không có hương thơm; người con gái có nhan sắc nhưng không có duyên, không có nết tốt.
Hữu xạ tự nhiên hương
- Có xạ hương thì tự nhiên sẽ thơm (chẳng cần phải đứng trước gió); có tài đức thì mọi người sẽ biết đến, không cần phải khoe khoang.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)