Nhập thành ngữ vào ô ‘Tìm kiếm’ để tra ý nghĩa và tìm hiểu thêm về thành ngữ.
***
Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
There are currently 194 names in this directory beginning with the letter B.
Bà chúa đứt tay bằng ăn mày sổ ruột
- (bà chúa phải gai bằng thuyền chài sổ ruột; nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột): vấn đề nhỏ nhặt đối với kẻ khốn khó, nghèo hèn nhưng đối với hạng người giàu sang, quyền thế thường xem là lớn lao, ghê gớm lắm.
Bà cô, ông mãnh
- Người chết trẻ linh thiêng (hồn) hay về quấy nhiễu con cháu (theo mê tín); người quá lứa nhỡ thì chưa lập gia đình, tính tình cay nghiệt.
Ba cọc ba đồng
- Ít ỏi, không đáng là bao, thường nói về khoản thu nhập eo hẹp của người làm công ăn lương.
Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo
- Quan hệ vì tình nghĩa ruột thịt chứ không phải vì hám lợi về vật chất.
Ba hồn bảy vía
- Gọi hồn người chết hoặc ngất. (theo quan niệm của người xưa: người đàn ông có bảy vía, người đàn bà có chín vía nên còn có câu: ba hồn chín vía).
Bá Nha - Tử Kỳ
Dùng để đề cập đến sự đồng điệu, đồng cảm ở mức cao độ giữa con người với nhau trong mọi lĩnh vực; Bạn tri âm; Tri kỷ.
Về điển tích, ý nhạc trong tiếng đàn của Bá Nha chỉ có (Chung) Tử Kỳ hiểu thấu.
Xem thêm 'Bạn tri âm'.
Về điển tích, ý nhạc trong tiếng đàn của Bá Nha chỉ có (Chung) Tử Kỳ hiểu thấu.
Xem thêm 'Bạn tri âm'.
Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi
- Kinh nghiệm nuôi trẻ, nếu trẻ phát triển đúng như trên là khoẻ mạnh, dễ nuôi.
Ba voi không được bát nước xáo
- Trong nhiều từ điển đều giải thíchnghĩa là 'nói khoác, không đúng sự thật', hoặc 'huênh hoang, hứa nhiều nhưng không làm đúng như lời đã hứa'.
- Cơ sở cho cách hiểu trên là sự tương phản về khối lượng. Một bên là voi, một loài thú rất lớn (thậm chí là ba voi, hoặc mười voi để tăng về khối lượng) và một bên là bát nước xáo, một lượng rất ít. đó là nghĩa bóng của thành ngữ này.
- Không một người việt nào hiểu sai thành ngữ trên (ví dụ hiểu thịt voi không ngon cho nên nước xáo nhạt). Nhưng về nghĩa thực (nghĩa đen) thì ít người hiểu rõ. Trong bài 'kể chuyện về loài voi' của bá thành (tuần tin tức số 15-1993) có một thông tin rất đáng chú ý: 'thịt voi là loại thịt săn, chắc, đặc biệt là thịt ở vòi. Khi nấu thịt voi dù có đổ nhiều nước, thịt nở ra vẫn hút hết nước'. Có lẽ nhờ tính chất hút rất nhiều nước của thịt voi mà chúng ta hiểu rõ thêm về nghĩa đen của thành ngữ này vì đã mấy ai được ăn thịt voi, luộc thịt voi mà biết rõ.
- (theo hà quang năng)
Ba voi không được bát nước xáo
Băm chẳng lỗ, bổ chẳng vào, ném ao chẳng chìm
- Vật quá cứng, rắn; người lì lợm, hoặc ngu đần quá, tác động dạy bảo thế nào cũng không được.
Bán anh em xa mua láng giềng gần
- Anh em họ hàng dù là thân thích nhưng ở xa thì không có điều kiện giúp đỡ bằng người dưng ở gần mình; nên quan hệ, đối xử tốt với hàng xóm xung quanh.
Bắn bụi tre, dè bụi hóp
- Phải khôn khéo; khi đụng đến người dưới phải kiêng nể người trên có liên quan đến họ.
Bán chỗ nằm, mua chỗ ngồi
- Câu này cũng gần nghĩa với câu 'bán gia tài mua danh phận'. Ngày trước, ở nông thôn, người ta chuộng chỗ ngồi ở chốn đình trung khi hợp làng. Nhiều người bỏ tiền mua một chức nhiêu, chức xã để có một chỗ ngồi, rồi lại phải khao vọng tốn kém. Vì thế có người phải bán cả nhà, đất để có một danh vị hão. Chỗ nằm tức là nơi nhà ở, chỗ ngồi tức là góc chiếu nơi đình trung.
Bán chỗ nằm, mua chỗ ngồi
Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa
- (bán gà, bán chó vào những ngày đó không được giá vì mưa rét nên lông của chúng xù lên trông xấu mã). ý muốn nói làm việc ngược đời; cũng có nghĩa thêm là không gặp thời hoặc không chọn đúng thời cơ để tiến hành công việc.
Bạn tri âm
- Tri âm nghĩa là hiểu được tiếng đàn , nghĩa rộng là hiểu được long mình. Tong truyện 'kim cổ kì quan' của trung quốc có ghi lại một tình bạn hiếm có giữa bá nha và chung tử kì. Bá nha làm quan, một lần đi thuyền về quê, ghé đậu vào một bến sông. Trong đêm trăng, bá nha đem đàn ra gảy.vừa lúc đó, tử kì đi qua, nghe tiếng đàn liền dừng lại. Thấy có người mải mê nghe tiếng đàn, bá nha liền mời xuống thuyền. Tử kì là người sành nghe đàn. Khi bá nha nghe đến núi cao thì tử kì khên. 'cao vòi vọi như núi thái sơn'. Khi bá nha nghe đến sông nước thì tử kì khen 'mênh mông như trường giang, hoàng hà'.
- Thấy có người hiểu sâu được tiếng đàn của mình, bá nha liền kết làm an hem và hỏi về gia cảnh. Tử kì thưa còn có mẹ già nên hàng ngày phải đi đốn củi để bán lấy tiền nuôi mẹ. Bá nha từ biệt tử kì để xuôi thuyền về quê và hẹn một tháng sau, khi trở lại nhiệm sở sẽ nghé thăm. đến hẹn, bá nha tìm đến thì tử kì đã qua đời, chỉ còn mẹ già. Bá nha mời mẹ tử kì về ở với gia đình mình và phụng dưỡng rất chu đáo. Từ ngày tử kì mất, bá nha treo đàn vì mất bạn tri âm.
- Thành ngữ của ta còn có các câu nói về tình bạn như 'bạn cố tri' (bạn hiểu nhau từ lâu), 'bạn nối khố' (bạn từ thuở hàn vi chia nhau cả cái khố vải).
Bạn tri âm
Bằng cái sẩy nẩy cái ung
- Sẩy là nốt rôm nhỏ nổi trên da. Nếu không biết giữ gìn thì có thể trở thành cục to nguy hiểm (cái ung, cái nhọt). Câu này khuyên ta đừng có coi thường việc nhỏ hoặc để chỉ một tai nạn lớn từ việc nhỏ gây nên.
Bằng cái sẩy nẩy cái ung
Bằng mặt chẳng bằng lòng
- Trong lòng thì giận ghét, không ưa nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra hồ hởi, thân thiện.
Bạo hổ bằng hà
- Thực ra phải nói là bạo hổ băng hà. Bạo hổ là tay không bắt hổ, băng hà là không có thuyền mà dám vượt qua sông lớn. Thành ngữ này ý nói táo bạo nhưng mạo hiểm.
Bạo hổ bằng hà
Bảo xôi ừ xôi, bảo thịt ừ thịt
- Ba phải, không có quan điểm, lập trường riêng. Tương tự như câu: “quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật'.
Bắt cá hai tay
- Tham gia cùng một lúc hai hay nhiều việc để có lợi; muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc. Thường là để chỉ việc yêu đương, hò hẹn một lúc hai ba người.
Bắt khoan bắt nhặt
- Hoạnh hoẹ, chấp nhặt từng li từng tí; cố gây khó dễ để hành hạ cho thoả lòng căm ghét.
Bát nước giải bằng vại thuốc
- (nước giải: nước tiểu): người xưa thường cho rằng người ốm và người mới đẻ uống nước giải trẻ con là liều thuốc quý.
Bắt trạch đằng đuôi
- Làm việc không chắc chắn, không nắm được phần mấu chốt nên khó có thể đạt được thành công.
Bầu dục chấm nước cáy (chấm mắm cáy)
- Bàu dục là món ăn ngon và bổ trong bộ lòng lơn. Nước cáy là thứ nước mắm ướp bằng con cáy, thường nặng mùi, có sắc đục, chấm không ngon. Bầu dục mà đem chấm nước cáy thì phí mất cả chất ngon của bầu dục.
- đại ý câu này nói lên hai đối tượng không phù hợp, không cân xứng. Cũng còn có ý chê người có miếng ngon mà không biết cách ăn.
- Câu này thường bị nói lầm là 'dùi đục chấm nước cáy'.
Bầu dục chấm nước cáy (chấm mắm cáy)
Bảy mươi chưa đui, chưa què, chớ khoe răng tốt
- Không nên chủ quan, tự phụ, phút chót có thể gặp rủi ro; không nên nói trước, nói mạnh.
Bảy mươi còn học bảy mươi mốt
- Phải luôn luôn khiêm tốn, học hỏi người trên mình. Còn có ý khuyên người ta là ở đời bao giờ cũng có người giỏi hơn mình.
Bé chẳng vin, cả gẫy cành
- Phải giáo dục con cái ngay từ lúc còn thơ ấu, kẻo đến khi hình thành thói quen thì không dạy bảo được nữa.
Bé không vin, cả gãy cành
- Dạy trẻ phải bắt đầu từ nhỏ. Không dạy con khi nó còn trẻ, người còn lạ việc, lớn lên, quen thói, không dạy được nữa, không nghe nữa.
Bẻ nạng chống trời
- Không biết cân nhắc, tính toán; làm một việc quá sức mình, khó có thể đạt được kết quả.
Bẻ tay Bụt ngày rằm
- Hành động nham hiểm, độc ác có chủ đích gây khó khăn cho người khác.
- Hành động bạo dạn, táo tợn.
Bên tình, bên hiếu
- Bên là tình cảm riêng tư (tình yêu), bên là lòng kính hiếu đối với cha mẹ; sự đắn đo cân nhắc sao cho trọn vẹn cả hai bề.
Bên trọng, bên khinh
- đối xử thiên lệch, không công bằng; một bên thì kính trọng yêu mến, một bên thì coi rẻ khinh thường.
Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra
- Phải thận trọng trong khi ăn uống, nói năng; ăn uống không điều độ, vệ sinh là nguyên nhân sinh ra mọi thứ bệnh; nói năng không giữ gìn là tự hại mình.
Bĩ cực thái lai
- Kinh dịch có 64 quẻ, trong đó có quẻ bĩ và quẻ thái. Quẻ bĩ tượng trưng cho sự bế tắc, không thuận lợi, quẻ thái tượng trưng cho sự thuận lợi, hanh thông. đây cũng là một quan điểm biện chứng, lạc quan. Khi nào sự bế tắc đến cùng cực (bĩ cực) thì sự hanh thông, thuận lợi sẽ tới (thái lai). Câu này nói ý hết khổ đến sướng, giống như câu 'khổ tận cam lai' (khổ là đắng, cam là ngọt, hết thời cay đắng thì đến thời ngọt bùi).
Bĩ cực thái lai
Biết sự trời, mười đời chẳng khó
- Quy luật của trời đất rất bí hiểm, khó ai biết rõ được; vì vậy nếu biết được những quy luật đó thì mọi sự sẽ được giải quyết dễ dàng, hanh thông; không thể lường trước được mọi sự việc sẽ xảy ra.
Biết tay ăn mặn thì chừa
- Liều, gàn, ngang bướng cũng phải có mức độ, nên biết điều mà tránh né kẻ khác để khỏi khốn đốn.
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe
- Việc gì biết rành sẽ nói, bằng không thì nên nghe để học thêm.
Biết thời thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe
- Không nên nói leo, nói hớt khi chưa tinh tường sự việc.
Bơ bải chẳng bằng phải thì
- Làm lụng vất vả ngày đêm nhưng không đúng thời cơ thì kết quả vẫn thua kém.
Bò chết chẳng khỏi rơm
- (bò sống ăn rơm, đến khi giết thịt cũng bị thui bằng rơm). đời người ai cũng phải có lúc nhờ cậy, cầu cạnh người khác.
Bõ công đèn sách
- Công sức ôn luyện, dùi mài kinh sử được đền đáp xứng đáng (thường nói đến việc thi cử đỗ đạt).
Bọ ngựa chống xe
- Liều lĩnh làm một việc quá sức lực của mình; không biết lượng sức, chắc chắn sẽ thất bại.
Bỏ thì vương, thương thì tội
- Bỏ đi thì tiếc, giữ lại thì phiền hà cho bản thân; không thể có thái độ rõ ràng dứt khoát; băn khoăn khó xử.
Bố vợ là vớ cọc chèo
- Trong tiếng việt hiện đại, vớ là danh từ có nghĩa là bít tất (miền nam vẫn dùng), vớ là động từ có nghĩa là tóm được, níu lấy. (chết đuối vớ được cọc, nạ dòng vớ được trai tơ).
- Cả hai nghĩa trên đều không khớp với câu tục ngữ này. Vớ trong câu tục ngữ là từ cổ, hiện nay chỉ một số vùng còn dùng như ở tam kì (quảng nam). Vớ là một vật kết bằng thừng, giống hình số 8, một nửa lồng vào mái chèo còn nửa kia lồng vào khấc ở đầu cọc chèo. Nếu không có cái vớ thì không chèo được, nếu buộc chặt mái chèo vào cọc chèo cũng không chèo được. Câu này có nghĩa là: tình cảm giữa bố vợ và chàng rể dù có buộc nhưng không chặt chẽ, khăng khít như con đẻ. ý này rất hợp với câu thứ hai 'mẹ vợ là bèo trôi sông'.
- Bèo trôi sông cũng kết thành mảng nhưng kết không chặt, sóng to gió cả cũng dễ tan.
- Từ câu tục ngữ trên nên mới có từ 'bạn cọc chèo' để chỉ hai anh rể lấy hai chị em ruột (bạn đồng hao).
Bố vợ là vớ cọc chèo
Bóc ngắn cắn dài
- Không biết tiết kiệm, kiếm được ít nhưng chi tiêu nhiều; tham lam, muốn bỏ ít công sức nhưng mong thu lợi nhiều.
Bốc tay sốt, đổ tay nguội
- Xoay sở chạy vạy, lấy chỗ nọ bù đắp vào chỗ kia để khắc phục tình thế khó khăn hoặc tình trạng túng thiếu.
Bồi ở, lở đi
- Hay tốt thì ở lại, xấu dở thì bỏ đi, không muốn liên luỵ. Còn có ý nói : phải biết chọn nơi tốt đẹp, yên ổn mà sống và tránh xa chốn hiểm độc, đe doạ.
Bói ra ma quét nhà ra rác
- Việc bói toán giống như việc cố kiếm chuyện thì thế nào cũng có chuyện; không nên tin vào chuyện bói toán.
Bợm già mắc bẫy cò ke
- Bẫy cò ke là loại bẫy thô sơ dùng để bẫy chim. Bẫy bằng tre, có cần và lẫy. Mồi gắn với lẫy. Hễ chim ăn mồi thì lẫy bật ra và cần tre sẽ sập xuống.
- Bợm già là những tay lọc lõi trong nghề lừa đảo, thế mà có khi còn mắc bẫy, mắc những mưu lừa tầm thường vì thiếu cảnh giác.
- (cò ke có nhiều cách giải thích. Cò ke là một loại quả dùng làm mồi. Cò ke là chiếc cò có lẫy).
Bợm già mắc bẫy cò ke
Bốn chín chửa qua, năm ba đã đến
- Tai hoạ đến dồn dập. (theo kinh nghiệm dân gian thì ở tuổi 49 và 53 là những năm người ta gặp nhiều tai hoạ, ốm đau, chết chóc)
Bống có gan bống, bớp có gan bớp
- (bống là tên một loài cá bé bỏng, yếu ớt; bớp là tên gọi ba bớp, thuộc hạng ngạo ngược ngang tàng). Mỗi người đều có mặt mạnh của mình.
Bướm chán ong chường
- Nói về người phụ nữ khi không còn nhan sắc, tiết hạnh bị thờ ơ lạnh nhạt, rẻ rúng, coi thường.
Buôn thần bán thánh
- Kẻ xấu, dựa vào chùa miếu, lấy danh nghĩa thần thánh phật trời, lợi dụng lòng mê tín của người ta mà làm tiền.
Buôn thất nghiệp, lãi quan viên
- Buôn bán nhàn hạ nhưng lời lãi nhiều; may mắn trong buôn bán, làm ăn.
Bương già nhà vững
- (bương: một loại cây sống ở rừng thuộc họ nhà tre). Cây bương già rất bền chắc nên dùng để làm nhà thì sẽ vững chãi và lâu đời mới hỏng.
Bụt chùa nhà không thiêng
- Coi thường, không tin tưởng người thân quen, gần gũi.
- Khuyên nên tự tin tài chí của mình.
Bụt Nam Xang còn từ oản chiêm
Sĩ diện hão, đang thiếu đói lại đài các, kén chọn, từ chối điều vẫn hằng thèm muốn.
Hàm ý: Lúc túng thiếu thì dừng kén chọn, chê bai, nên chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn.
Về điển tích, Nam Xang, Nam Xương hay Nam Hạ là tên cũ của huyện Lý Nhân, Hà Nam. Nam Xang xưa là vùng chiêm trũng, nghèo khó, quanh năm thiều đói đến nỗi người ta phải dùng gạo tẻ vụ chiêm để làm oản cũng Bụt.
Hàm ý: Lúc túng thiếu thì dừng kén chọn, chê bai, nên chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn.
Về điển tích, Nam Xang, Nam Xương hay Nam Hạ là tên cũ của huyện Lý Nhân, Hà Nam. Nam Xang xưa là vùng chiêm trũng, nghèo khó, quanh năm thiều đói đến nỗi người ta phải dùng gạo tẻ vụ chiêm để làm oản cũng Bụt.
(Theo Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân – Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2010, có hiệu chỉnh và bổ sung; Từ điển Thành ngữ và Tục Ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào…)